Xử lý chất thải rắn
Thời gian qua, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn đã được UBND thị xã Nghi Sơn tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện qua các Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 25/2/2019 thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn huyện (nay là thị xã); Kế hoạch Số 75/KH-UBND Nghi Sơn ngày 5/3/2021 về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thị xã năm 2021; Kế hoạch số 190/KH-UBND Nghi Sơn, ngày 22/7/2021 về thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải có số lượng chất thải nguy hại phát sinh dưới 600kg/năm trên địa bàn thị xã.
Hoạt động dọn rác tại bờ biển thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa). |
Hiện nay, trên địa bàn thị xã đã có nhà máy xử lý chất thải rắn tổng hợp tại xã Trường Lâm của Công ty CPMT Nghi Sơn. Trong đó xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt với công suất 120 tấn/ngày, với 3 đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2018, tỷ lệ thu gom, xử lý tập trung đạt 65% (19/34 xã, thị trấn nay là 31 xã, phường); năm 2021 tỷ lệ thu gom, xử lý tập trung đạt 93% (31/31 xã, phường).
Chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn thị xã chủ yếu từ các hoạt động công nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, lượng rác thải này được chủ các đơn vị hợp đồng với các đơn vị có chức năng để xử lý. Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, khối lượng là không nhiều, ở mỗi xã, phường xây dựng các thùng thu gom có nắp đậy đặt tại các cánh đồng để lưu giữ. Các xã, phường đã về đích nông thôn mới hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý đảm bảo theo quy định, tỷ lệ được thu gom, xử lý đảm bảo đạt khoảng 65% tổng khối lượng phát sinh. Đối với khối lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình, nguồn khác (bóng đèn huỳnh quang thải, pin, ắc quy thải, dầu mỡ thải….) được các hộ tự lưu giữ và vận chuyển xử lý theo chất thải sinh hoạt.
Ngoài ra, UBND thị xã còn xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra, giám sát, UBND thị xã đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường. Cụ thể: Năm 2018 xử lý 9 trường hợp với số tiền 87,5 triệu đồng; Năm 2020 xử lý 18 trường hợp với số tiền là 48,5 triệu đồng; Năm 2021 xử lý 19 trường hợp với số tiền 47,5 triệu đồng.
Không đánh đổi môi trường
Hiện nay, thị xã Nghi Sơn cũng đang gặp phải một số vướng mắc, khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về nước thải, khí thải. Lý do là vì đối với cấp huyện, cấp xã không có phương tiện, trang thiết bị cũng như nhân lực để phân tích đánh giá.
Ngoài ra, còn tồn tại một số hành vi vi phạm của doanh nghiệp về môi trường (như xả thải, đổ thải...) thực hiện ngoài giờ hành chính, lén lút vào ban đêm dẫn đến khó kiểm tra, xử lý, kiểm soát, giám sát của chính quyền các cấp. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, vận hành các công trình xử lý chất thải theo kiểu đối phó, chưa nghiêm túc thực hiện trong việc thu gom, xử lý chất thải.
Nhà máy xử lý chất thải rắn tổng hợp của Công ty CPMT Nghi Sơn là một trong những nhà máy xử lý rác thải hiện đại tại miền Bắc hiện nay. Nhà máy được đầu tư 2 giai đoạn, hiện tại giai đoạn 1 được quy hoạch xử lý 500 tấn rác thải/ngày đêm. Các dây chuyền xử lý rác thải được nhập công nghệ từ những nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức... Đặc biệt, Công ty là một trong số ít doanh nghiệp tại Việt Nam được Bộ TN&MT cấp phép đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại với công suất 1 tấn/giờ.
Để đáp ứng yêu cầu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, thị xã Nghi Sơn sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương, đơn vị được giao phụ trách. Thực hiện kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và thực hiện công tác xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của thị xã, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường; thúc đẩy hiệu quả hợp tác công - tư trong đầu tư bảo vệ môi trường.
Xây dựng phương án, thực hiện cơ chế cho phép chủ đầu tư được trực tiếp thu để bù, chi bảo vệ môi trường trên nguyên tắc: “Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền” và “Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”. Coi đây là giải pháp mang tính đột phá để huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng từ nguồn ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải nằm trong gói Dự án phát triển Khu đô thị động lực thị xã Nghi Sơn.
Ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: “Thị xã coi nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm trong thời gian tới. Đồng thời, thị xã Nghi Sơn cũng kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, có các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết tạm đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc vi phạm nghiêm trọng”.