Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 7509/VPVP-NN ngày 18/7/2017 của Văn phòng Chính phủ về Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, theo các nội dung cụ thể.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung yêu cầu đối với UBND tỉnh Đồng Nai, cần rà soát phạm vi và các nội dung Dự án đảm bảo tuân thủ Nghị định số 24/2015/CĐ-CP ngày 27/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Bộ Xây dựng cho rằng, việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tác động bổ sung của Dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành và đơn vị chuyên môn thực hiện từ tháng 5/2015. Đến nay, Báo cáo kết quả đánh giá bổ sung kết quả tác động của Dự án đến sông Đồng Nai đã được Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất với các nội dung trong Công văn số 62/BTNMT-TNN.m ngày 23/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Do đó, đề nghị chỉnh sửa Mục 2.1 như sau: “Tổ chức rà soát, điều chỉnh dự án đảm bảo phù hợp với đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 25/7/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Sau khi hoàn thành, khu vực này sẽ hình thành khu khách sạn, nhà phố thương mại, siêu thị, chung cư, cao ốc văn phòng, công viên trên sông. Ảnh: Dân trí |
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị bổ sung tính toán và luận chứng cụ thể trên cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định tần suất lũ tính toán phù hợp với diễn biến lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng trên sông, ven sông trong phạm vi tính toán.
Tính toán cụ thể ảnh hưởng trong các trường hợp lấn sông ứng với lũ tính toán, lũ lịch sử năm 1952 và lũ tháng 10/2000, so sánh với trường hợp chưa lấn sông về chiều sâu ngập, diện tích ngập, thời gian duy trì lũ để đề xuất giải pháp.
Đồng thời, bổ sung tính toán ứng với nhiều cấp lưu lượng, đặc biệt là đối lưu lượng tạo lòng, đây là cấp lưu lượng tác động rất lớn đến hình thái lòng dẫn. Cùng với đó, bổ sung phạm vi tính toán đối với các khu vực lân cận (thượng, hạ lưu khu vực lấn sông) để có cơ sở đánh giá toàn diện đến xói lở lòng dẫn, kể cả xói lở theo phương đứng và xói lở theo phương ngang.
Mặt khác, bổ sung tính toán các trường hợp lấn sông bằng mô hình vật lý để đảm bảo độ chính xác, phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8419:2010 về Công trình thủy lợi – Thiết kế công trình bảo vệ bờ sông để chống lũ.
Đối với việc di chuyển trạm thủy văn Biên Hòa: đề nghị xác định vị trí sẽ di dời, đồng thời tính toán, xây dựng mối quan hệ giữa chuỗi số liệu đã đo đạc của trạm thủy văn tại vị trí cũ với vị trí mới, đảm bảo tận dụng được chuỗi số liệu trong quá khứ, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, phòng chống thiên tai.
Đối với việc thực hiện khi chưa được Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi thực hiện lấn lòng sông, bãi sông, vi phạm Luật Đê điều và luật Phòng, chống thiên tai.
Kết quả nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ sẽ được bổ sung, hoàn chỉnh vào Báo cáo phân tích, tính toán đánh giá bổ sung chế độ dòng chảy, diễn biến lòng sông, sinh thái thủy vực sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh và kèm theo Văn bản báo cáo việc tiếp thu, giải trình đề nghị gửi lại Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/9/2017.
Trang Phương - Khải Minh