Các chiến sĩ chiến đấu trong sự kiện 17/2/1979. Ảnh tư liệu |
Quên sao những anh hùng liệt sĩ
Lịch sử vệ quốc của dân tộc Việt Nam gắn liền với khói lửa chiến tranh, và đó cũng chính là sự “đồng hành” của mát mát đau thương và hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ. Đất Việt đã hoàn toàn lặng im tiếng súng, dân tộc Việt đang sống trong hòa bình thịnh vượng, nhưng quên sao được những người đã ngã trên chiến trận năm xưa. Máu đào của các anh các chị ngấm vào lòng đất, hòa vào lòng biển, vùi chôn dưới tầng đất lạnh để Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất. Nói cách khác, để dân tộc Việt không còn đạn bom của kẻ xâm lược.
Cuộc chiến trường chinh vệ quốc của dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bách chiến bách thắng. Bản hùng ca ấy được thể hiện trong mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi trận chiến đấu mà người lính trên chiến trường là nhân vật trung tâm của những bản hùng ca.
Núi đồi Vị Xuyên Hà Giang, nơi còn vùi chôn hàng ngàn xương cốt các liệt sĩ. ảnh Thành Giác |
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, có hàng vạn thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, để rồi sau khi tan giặc, thân xác các anh bỏ lại chiến trường. Có chàng trai chia tay gia đình đi chiến trận không hẹn ngày về, có cô gái xung phong ra tiền tuyến cũng mãi mãi nằm lại rừng sâu. Ngày tiễn con đi, người mẹ, người cha rơi lệ nhìn con hẹn ngày trở lại. Ngày đón con về là chiếc ba lô, đôi dép và lá cờ Tổ quốc. Các anh đã hi sinh trên trận chiến đánh quân thù.
Quên sao được anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu ở thế kỷ XX. Quên sao được những thanh niên xung phong xếp bút nghiên lên đường ra tuyến lửa, để rồi thân xác gửi lại chiến trường. Tất cả vì Tổ quốc, vì sự bình yên của dân tộc, mà các anh các chị là hiện thân của đức hi sinh cao quí ấy.
Lịch sử sang trang, nghĩ tưởng chiến tranh chấm dứt sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; nhưng không, đất nước bước vào cuộc chiến đấu mới- cuộc chiến đấu trường chinh gian khổ nhất trong nhiều cuộc trường chinh vệ quốc của dân tộc.
Nơi yên nghỉ của 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh Lê Khanh |
Bài thơ Dáng đứng Việt Nam của tác giả Lê Anh Xuân đã tạc vào thế kỷ một dáng dứng Việt Nam ở thế kỷ XX. Binh nhì Nguyễn Văn Hải- pháo thủ trên tàu 187 của Trung đoàn 171 hải quân trước khi hi sinh vẫn mong “cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”. Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiếu bị trúng đạn đứt lìa chân trái, đã cầm dao cắt cho khỏi vướng và tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… tất cả tinh thần chiến đấu kiên cường gan dạ ấy đều vì Tổ quốc, vì nhân dân.
Rạng sáng ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã huy động hơn 60 vạn binh lính quân đội tràn xuống nhiều tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Các tỉnh bị “nã đạn” là Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên... Máu đào chiến sĩ trên các điểm cao chảy tràn thành suối, hàng ngàn dân thường bị chém giết vô tội, hàng ngàn nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm cây cầu dân sinh bị đánh sập…
Tên các anh khắc vào lòng dân tộc. Ảnh Lê Khanh |
Ngày 14-3-1988, thêm một lần nữa mảnh đất thân yêu của Tổ quốc Việt Nam bị Hải quân Trung quốc tàn sát dẫm máu. 64 chiến sĩ hải quân của Vùng 4 đã hi sinh anh dũng ngoài đảo đá Gạc Ma. Máu đào của các anh đã ngấm vào san hô, hòa vào lòng biển. Sau 32 năm, xương cốt các anh vẫn nằm dưới tầng sóng lạnh…
Lịch sử là dòng chảy liên tục. Lịch sử là nơi công bằng nhất chép lại những quá khứ hào hùng, bi tráng và cả đau thương mất mát. Dù thời gian có dài bao nhiêu, đất nước có thay đổi thế nào đi nữa, thì dân tộc Việt nam vẫn đời đời ghi công những người ngã xuống. Đó là liệt sĩ, thương bệnh binh, là gia đình có công với Tổ quốc, và những người mẹ Việt Nam anh hùng sinh ra những người con bất tử.
Những liệt sĩ Gạc ma hóa thân thành tượng đài bất tử, ảnh Lê Khanh |
Màu xanh đất nước
Sau 45 năm chấm dứt chiến tranh kể từ khi mùa Xuân đại thắng năm 1975, có thể khẳng định rằng trên thế giới chưa có một dân tộc nào lại kiên cường chiến đấu, thầm lặng hi sinh quên mình cho Tổ quốc như dân tộc Việt Nam. Sự lớn mạnh trường tồn của dân tộc luôn đồng hành với lịch sử chiến đấu ngoan cường của các thế hệ người Việt, trong đó Bộ đội Việt Nam là lực lượng chủ lực quyết định đến sự thành bại của mỗi trận chiến. Dẫu vẫn hiểu, dân tộc nào cũng thế, chiến tranh là mất mát đau thương; chiến tranh là đổ máu trên chiến trường và sự hi sinh quên mình của những người lính chiến. Song có lẽ chỉ có người lính Việt Nam mới chiến đấu ngoan cường hi sinh hết thảy vì Tổ quốc của mình như vậy.
Nỗi đau bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh Lê Khanh |
Lịch sử đã sang trang mới, trên khắp các dải đất Việt Nam không còn tiếng đạn bom, nhưng người lính Cụ Hồ vẫn chưa một phút nghỉ ngơi. Các anh vẫn sẵn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần, khi nhân dân gọi. Các anh vẫn sẵn sàng ra Trường Sa, lên biên ải khi ở đó có “động thái bất thường”. Những địa danh núi, đồi, sông, suối xưa kia từng bị xới cày bởi đạn bom, nay là đồi chè, đồng xanh yên bình. Song ẩn sâu dưới tầng đất đồi, nằm sâu dưới con suối ấy, là xương cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ chưa biết tên, đang được thế hệ những người lính Bác Hồ tìm kiếm hài cốt.
Thời gian có thể lâu hơn, xương cốt của các anh các chị có thể vùi sâu hơn vào lòng đất, nhưng cuộc tìm kiếm vẫn không bao giờ tắt. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự biết ơn tri ân những đã quên mình vì dân tộc. Các anh, các chị là nguồn cội của đức hi sinh vì nghĩa lớn, để các thế hệ hôm nay tiếp bước, noi gương.
Hôm nay, hơn 90 triệu người dân nước Việt thắp nén hương tâm nhớ về liệt sĩ. Các anh các chị không còn nữa, nhưng vẫn sống mãi trong lòng Việt Nam. Tên các anh các chị đã thành tên đất nước- một đất nước lớn lên từ bom đạn chiến tranh, phồn vinh trong hòa bình, phát triển trong muôn vàn khó khăn thử thách.