(TN&MT)- Khu công nghiệp (KCN) Hòa Trung, tại xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đi vào hoạt động từ hơn 7 năm qua không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe, khiến người dân quanh vùng rất bức xúc…
Ô nhiễm không khí và nguồn nước ngày càng trầm trọng
Cách KCN Hòa Trung một con sông nhưng địa bàn ấp Hoà Trung, xã Hoà Thành, TP.Cà Mau thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát tán. “Đi ngang qua tuyến đường này rất là khó vì mùi hôi thối từ KCN Hòa Trung bay qua nên mọi người đi đường phải bịt khẩu trang” – Ông Huỳnh Bi Chúc, người dân sở tại, phản ánh.
KCN Hòa Trung |
Nhiều người dân ở xã Hòa Thành cho biết mùi hôi thối phát tán từ KCN Hòa Trung đã khiến cuộc sống bà con bị đảo lộn. Vào mùa gió Tây - Nam kéo dài 6 tháng, mùi hôi thối nồng nặng xộc vào tận trong mùng ngủ của từng nhà. Bà con quả quyết chính mùi hôi thối này đã gây ra bệnh viêm đường hô hấp (viêm mũi, viêm xoang…) phổ biến nhất là đối với người già, trẻ em. Cũng chính vì ô nhiễm không khí mà ấp Hòa Trung bây giờ còn có tên gọi mới là “xóm viêm xoang”.
“Mùi hôi thúi từ KCN Hòa Trung bay qua khiến các em học sinh học hành không được, có khi còn là nguyên nhân gây bệnh hoạn, viêm mũi cho các em... Tôi cũng đã nghe báo đài phản ánh nhiều rồi nhưng không hiểu sao mà vẫn không dẹp được cái mùi hôi thúi đó” – Giáo viên Nguyễn Minh Thủy (Trường Tiểu học Hòa Thành 3, xã Hòa Thành, TP.Cà Mau), bức xúc.
Cùng với mùi hôi ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân, Trưởng ấp Hòa Trung - Trần Thành Dơn, cho biết các công ty chế biến hải sản trong KCN Hòa Trung xả nước thải ra kênh rạch, đã ô nhiễm nguồn nước quanh vùng gây thiệt hại đến hiệu quả nuôi tôm trong ao, vuông của rất nhiều hộ dân.
Đáng lưu ý, trong phạm vi quy hoạch KCN Hòa Trung, hiện còn nhiều hộ dân thuộc ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, còn có nhà, đất sinh sống, sản xuất xen kẽ với các nhà máy, công ty, xí nghiệp, chịu ảnh hưởng, thiệt hại do ô nhiễm không khí và nguồn nước rất nặng nề. Bà Nguyễn Thị Hoa, ấp Năm Đảm, bức xúc, nói: “Mình đâu có biết, thấy nước lớn thì chạy ra ngoài khai lấy vô ao, vuông. Khai vô rồi thì nước xanh rờn, thúi hoắc. Rồi tôm chết, cua chết… đất trong ao, vuông nó cũng đen thui luôn à… bị nước vô nó ô nhiễm rồi”.
Trong những hộ sống xen kẽ với các nhà máy đã có không ít hộ phải treo ao, nghỉ nuôi tôm đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân – Lê Văn Hai, cho biết bà con rất bức xúc nhiều lần phản ánh tới chính quyền nhưng địa phương chỉ có thể vận động, tư vấn bà con tuân thủ pháp luật, thực hiện khiếu nại, tố cáo theo trình tự. Thời gian qua, đã có hơn 200 hộ dân ở các xã quanh vùng KCN Hòa Trung có đơn tố giác các công ty, xí nghiệp trong KCN này xả thải ra sông, rạch, gây ô nhiễm, thiệt hại việc nuôi trồng thủy sản gửi cơ quan chức năng.
Tăng cường biện pháp ứng phó với doanh nghiệp
Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau - Huỳnh Thanh Dũng, cho biết tỉnh đã thành lập các tổ xác minh và đã xác định tình trạng ô nhiễm nguồn nước gây thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản là do nước thải sinh hoạt trung tâm thành phố chưa được xử lý, nước thải sản xuất kinh doanh chưa đạt chuẩn xả ra gây ảnh hưởng và các doanh nghiệp chế biến đầu vỏ tôm trong KCN có phát tán mùi hôi.
Vị trí xả nước thải của các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong KCN Hòa Trung. |
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước phân tích, kết quả cho thấy phần lớn các mẫu nước đều bị ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép, không đảm bảo cho đời sống thủy sinh. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, đã có tới 9 nhà máy, xí nghiệp trong KCN này bị xử phạt về hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, với tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỉ đồng.
Dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân – Lê Văn Hai, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc kiểm soát xả thải gặp rất nhiều khó khăn. Vì đường ống xả thải của các doanh nghiệp đều âm dưới mặt đất, đầu ra được dấu dưới tận đáy sông và thường xả vào ban đêm. Để ứng phó với tình trạng xả thải gây ô nhiễm từ các doanh nghiệp, xã Lương Thế Trân đã thành lập Tổ tự quản môi trường nhằm thường xuyên tổ chức giám sát và phối hợp các cơ quan chức năng xử lý.
Nhưng theo ông Trần Vũ Luân, Tổ trưởng Tổ tự quản môi trường xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết thì hiệu quả xử lý cũng không kịp thời. “Chức năng của tổ là sau khi phát hiện các công ty xả thải, nhưng không có chức năng lấy mẫu nước. Khi phát hiện, chúng tôi báo và kết hợp, phối hợp với các cơ quan chức năng để đến thực tế lấy mẫu nước. Quá trình đó diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Do đó, thường thì mẫu nước thải ra thu được không còn giống như nước thải khi chúng tôi phát hiện vì lúc đó công ty đã kịp thời xử lý mất rồi” – Ông Luân, nói.
Cần giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, xử lý nước thải thải theo quy trình
Theo ông Huỳnh Thanh Dũng – Phó Giám đốc BQL Khu kinh tế Cà Mau, trước mắt các Tổ tự quản giám sát cộng đồng, cần tích cực phối hợp với doanh nghiệp để giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải nội bộ tại các doanh nghiệp đã xây dựng. Tránh tình trạng có hệ thống xử lý nước thải nhưng doanh nghiệp không vận hành mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Ông Dũng, cho biết: “Qua làm việc, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng có hỗ trợ, có quy hoạch cụ thể về số lượng doanh nghiệp xử lý phế phẩm thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư xử lý khép kín, có mảng cây xanh hạn chế mùi hôi phát tán ra môi trường”.
Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng khu xử lý nước thải tập trung cho KCN Hòa Trung. UBND tỉnh đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất giải phóng mặt bằng 100ha trong 320ha qui hoạch KCN Hòa Trung để xây dựng hồ chứa nước thải xử lý tập trung.
Người dân sở tại rất bức xúc cho rằng vì nước thải xả ra từ các nhà máy trong KCN Hòa Trung gây ô nhiễm nguồn nước đã làm chết cá, gây thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản |
Phó Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân - Lê Văn Hai, kiến nghị trước mắt các doanh nghiệp phải có qui trình định kỳ xả thải và thông báo với Tổ Giám sát cùng các cơ quan chức năng để tổ chức giám sát. “Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần tiến hành thực hiện quy hoạch cụ thể, giải phóng mặt bằng để tách dân ra khỏi KCN và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì mới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để được” – Ông Hai, nói.
KCN Hòa Trung được qui hoạch khoảng 320ha nhưng thời gian qua việc giải phóng mặt bằng không đạt được theo yêu cầu, các doanh nghiệp tự thỏa thuận mua đất của dân để xây dựng nhà máy rải rác. Hiện còn nhiều hộ dân đang sinh sống, sản xuất xen kẽ với các nhà máy chế biến thủy hải sản của 17 doanh nghiệp trong qui hoạch KCN. Tình trạng giải tỏa kiểu “da beo” này gây rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các công trình phục vụ cho xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Mặt khác, đời sống, sản xuất của người cũng bị ảnh hưởng rất lớn vì quyền sử dụng đất của dân bị hạn chế như không trồng được cây lâu năm, không xây được nhà kiên cố…
Theo ghi nhận của phóng viên, nếu tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường tại KCN Hòa Trung không được chính quyền, cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời thì hậu quả ảnh hưởng gây thiệt hại của nó trong thời gian không xa sẽ rất lớn. Vì tất cả các nguồn nước thải xả ra từ các nhà máy trong KCN Hòa Trung đều đổ trực tiếp xuống sông Bảy Háp và đây là nguồn nước chủ yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho cả thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi.
H.Long – D.Sự