Bứt phá để về đích

11/07/2019 18:20

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để thực hiện thành công mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá về mọi mặt.

Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình công tác, các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ giao 6 tháng đầu năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, Bộ đã đạt được những chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong đó, thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa, số thủ tục thực hiện theo hình thức trực tuyến vượt mức Thủ tướng Chính phủ giao; thu ngân sách vượt mức kế hoạch; hoàn thành việc giám sát quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai ở đô thị, nguồn thu từ đất dự kiến vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đạt 97,3% diện tích cần cấp, tỷ lệ người có đất nông nghiệp bị thu hồi hài lòng về mức bồi thường đạt 68%; thu tiền từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước lũy kế đến nay đạt 9.000 tăng 2.000 tỷ so với năm 2018; các hồ chứa được giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hàng ngày đảm bảo yêu cầu điều tiết nước cho sản xuất và phát điện; tài nguyên khoáng sản được quản lý minh bạch hiệu quả thông qua đấu giá quyền khai thác mỏ, khoáng sản.

Giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai Ảnh TN
Giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ảnh: TN

Bộ cũng hoàn thành xây dựng Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; các chỉ số về môi trường có sự chuyển biến, phong trào chống rác thải nhựa đã có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của xã hội; các chỉ số PAPI, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số cải cách hành chính,… đều tăng. Trong ứng phó với BĐKH đã huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị nhất là ở ĐBSCL.

Để thực hiện thành công mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá về mọi mặt, trong 6 tháng cuối năm nay, các đơn vị cần tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trong đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tạo đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Sửa đổi Luật Đất đai, đổi mới phương pháp định giá đất để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Sửa đổi Luật BVMT giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và BVMT.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời vấn đề bức xúc, điểm nóng phát sinh. Ưu tiên cho nguồn lực cho kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, việc chấp hành pháp luật KTTV. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc tồn đọng kéo dài.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối, chia sẻ với dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành; thúc đẩy về ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai vận hành Chính phủ điện tử. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tương tác giữa Bộ với người dân, doanh nghiệp; thiết lập cơ chế để người dân đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ công.

Báo cáo cũng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019 của Bộ TN&MT là sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đầu tư công, sử dụng tài sản công, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí; điều hành linh hoạt dự toán ngân sách Nhà nước; tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ; gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng. Hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại, tham vấn chính sách. Rà soát, thể chế hóa các hiệp định, cam kết mà Việt Nam đã tham gia.

Ông Phạm Tân Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ:

Ông Phạm Tân Tuyến


Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của Bộ và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của Bộ trong thời gian tới, các đơn vị cần nghiên cứu kết quả đánh giá, chấm điểm của các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 để khắc phục ngay các tồn tại ở đơn vị mình. Đồng thời, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của đơn vị; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo cải cách hành chính, chú trọng đề xuất các giải pháp đổi mới, sáng kiến thực hiện cải cách hành chính.

Cùng với đó, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ; bảo đảm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đầy đủ, kịp thời.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp nếu để xảy ra tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính; chủ động nắm bắt, trao đổi thông tin; trả lời kịp thời, đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả cải cách hành chính của đơn vị.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế:

Ông Phan Tuấn Hùng


So với cùng kỳ năm 2018, khối lượng xây dựng, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của 6 tháng đầu năm 2019 nhiều hơn, nhưng số lượng văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ít hơn so năm 2018. Mặc dù vậy, tình trạng chậm trình ban hành vẫn diễn ra; một số văn bản chưa đến thời hạn trình cơ quan có thẩm quyền nhưng tiến độ xây dựng của một số văn bản còn chậm so với kế hoạch.

Do vậy, để bảo đảm chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thành 100% Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Bộ, đề nghị thủ trưởng các đơn vị quan tâm chỉ đạo sát sao, chủ động trong việc xây dựng, phối hợp Vụ Pháp chế thường xuyên hơn nữa đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để công tác này hoàn thành đúng tiến độ, với chất lượng cao. Vụ Pháp chế sẽ chủ động lên lịch làm việc trực tiếp với các đơn vị về nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước thời điểm trình Bộ trưởng.

Ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường:

Ông Lê Phú Hà


Công tác xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phạm vi toàn ngành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 được triển khai cơ bản theo kế hoạch.

6 tháng cuối năm, đề nghị các đơn vị liên quan quan tâm đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 01, Nghị quyết 17; trong đó, có 3 đề án là Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu địa phương và các Bộ ngành.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bứt phá để về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO