Buông lỏng quản lý sinh vật ngoại lai: "Được một... mất mười"

22/02/2017 00:00

(TN&MT) - Không thể phủ nhận các sinh vật ngoại lai cũng có đóng góp đối với đa dạng sinh học, một số giống được nhập khẩu đã mang đến lợi ích kinh tế. Tuy vậy, với các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu buông lỏng quản lý những tác hại sẽ là khôn lường.

Mới đây, Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan liên quan để thảo luận về sự việc phóng sinh một lượng cá lớn, trong đó, có cá chim trắng (tên khoa học là Colossoma brachypomum) là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại vào hôm 5/2 tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo việc quản lý loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi toàn quốc.

Những “vố đau bạc tỷ”

Những bài học đắt giá về ốc bươu vàng, đỉa hay cá dọn bể… tưởng chừng đã đủ sức cảnh báo đến sự cẩn trọng của người dân. Nhưng ngay cả khi người dân mất tiền tỷ cho những trại chăn nuôi các loài ngoại lai và  khi các cơ quan liên quan vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ  ngay từ đầu, không ai dám chắc những câu chuyện tương tự có tiếp diễn hay không?!

Anh minh họa
Ốc bươu vàng gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và môi trường.

Còn nhớ những năm trước đây, một loạt sinh vật ngoại lai đã có mặt tại Việt Nam và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và môi trường. Nhất là vào những năm 1990, trào lưu nhập cá trê phi, ốc bươu vàng, hải ly... về Việt Nam diễn ra ồ ạt với mong muốn tạo ra giống vật nuôi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như: nặng cân, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa kịp tính đến những tác hại của loài với nguồn gien bản địa.

Với tham vọng nhập khẩu ốc bươu vàng vào Việt Nam để trở thành nguồn thực phẩm, cung cấp cho người và động vật nuôi nhằm phát triển kinh tế nhưng loại này đã phát triển nhanh và trở thành ác mộng đối với đồng ruộng Việt Nam, gây dịch hại trên nhiều loại cây trồng, nhất là lúa và rau muống.

Chuột Hải ly được nhập khẩu để nuôi thử nghiệm từ đầu năm 2000 với mục đích phát triển chăn nuôi, lấy thịt da xuất khẩu và chống đói nghèo. Tuy vậy, chúng lại là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới. Chuột hải ly sinh sản 3 lứa/năm, mỗi lứa đẻ từ 4-11 con, thành thục sau 4 tháng tuổi. Hang của chúng sâu 15m, rộng 0,7m. Chúng còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da,… gây bệnh cho người và vật nuôi, gây ảnh hưởng xấu đến các động vật khác. Tính đến cuối năm 2002, khoảng 4.000 con Chuột hải ly đã bị tịch thu và tiêu hủy. Hiện, loài này được cho là đã loại bỏ khỏi Việt Nam.

 Tiếp đó, chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với những đồn thổi về chất lượng thịt của loại chồn này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua chồn nhung đen về nuôi mong thu lợi cao. Trái với những lời đồn thổi, đầu ra cho loài động vật này rất hẹp, người nuôi đều bị lỗ và khả năng phát triển không cao. Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã phải đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, tập trung kiểm soát tốt các cơ sở. 

Trong năm 2014, hiện tượng nuôi gián đất tại Bắc Ninh nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Gián đất là loài gián không biết bay, bò nhanh, có màu đen, sống ở những nơi ẩm tối như: trong đất khe, kẽ hoặc các bụi rậm..., là một trong những loài côn trùng môi giới truyền một số bệnh dịch về đường tiêu hóa. Tốc độ sinh trưởng của gián đất rất cao, một con bố mẹ có thể sinh được khoảng 300 - 400 con gián đất con. Sau 30 ngày chúng có thể đạt trọng lượng từ 800 đến 100 con/kg.  Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản chính thức cấm việc nuôi gián đất vì có nhiều nguy cơ rủi ro cho môi trường, xã hội và nền kinh tế.

Những tưởng sau “vố đau”  ấy người nông dân sẽ sực tỉnh và thay đổi tư duy, ấy vậy, thời gian gần đây, mặc dù, đã bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam nhưng những con tôm hùm gốc Bắc Mỹ lại đang xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản chỉ là nuôi tôm lấy thịt nhưng chính sinh vật ngoại lai này đang là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Những kẽ hở từ luật

Đã có nhiều cảnh báo về vấn nạn sinh vật ngoại lai tuy đã có nhưng hầu như rất ít tác dụng. Trong khi đó, trong nhiều nguyên nhân gây tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và an ninh lương thực, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất. Tuy nhiên việc hạn chế trong nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý, kiểm soát.

Sinh vật ngoại lai xâm hại chủ yếu du nhập qua 3 con đường: Con đường tự nhiên (dòng nước, gió, bão); du nhập không chủ đích (vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa); du nhập có chủ đích (buôn bán, trao đổi hàng hóa…). Việc nhận diện nó trước khi du nhập vào Việt Nam với các cơ quan chức năng còn rất hạn chế, kể cả với hải quan. Đây được xem là những “kẽ hở” khiến các loài sinh vật ngoại lai nguy hại xâm nhập vào Việt Nam gây ra những tác động xấu về môi trường cũng như kinh tế. 

Việc nhận diện nó trước khi du nhập vào Việt Nam với các cơ quan chức năng còn rất hạn chế, kể cả với hải quan
Phá bỏ cây mai dương

Theo thống kê, số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài, trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lại.

“Nút thắt” nẳm ở chỗ, việc quản lý sinh vật ngoại lai do ngành TN&MT, ngành Nông nghiệp chủ trì. Trong đó, ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, còn việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do  ngành TN&MT và nông nghiệp thực hiện. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát.

Hệ thống văn bản quản lý sinh vật ngoại lai ở Việt Nam được thể hiện ở Luật Đa dạng sinh học 2008 ; Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, 2013; Luật Thủy sản 2004; Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Ngay trong nội tại Luật Đa dạng sinh học 2008 đã không thống nhất các điều khoản, tại Khoản 7, Điều 7 những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học có quy định nghiêm cấm việc “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại”; Khoản 1, Điều 50 quy định “Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”. Như vậy, theo quy định này, các loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đều thuộc đối tượng nghiêm cấm nhập khẩu và phát triển.

Tiếp đó, tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”.

Tại Khoản 3, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định "Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai". Điều này dẫn đến những vướng mắc trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, do vậy, cần nhanh chóng xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, thậm chí, cần phải luật hóa để việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai hữu hiệu hơn.

Bên cạnh đó, thiếu quy định về phân tích nguy cơ xâm hại, phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Cụ thể vấn đề phân tích nguy cơ xâm hại, đặc biệt nguy cơ xâm hại trước khi tiến hành nhập khẩu, chưa được quy định trong Luật Đa dạng sinh học dẫn đến chưa có căn cứ pháp lý để quy định nội dung này.

Rõ ràng, việc người dân nuôi một loài vật không có trong danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam là sai nhưng cách mà ngành chức năng địa phương đổ lỗi cho “nhận thức mơ hồ” để cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh loài côn trùng ẩn chứa nhiều độc hại đang khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan.

Thiệt hại của người dân là có thật, và biết đâu loài sinh vật ngoại lai ấy đã kịp thoát ra ngoài môi trường và những hệ lụy không thể trong một sớm một chiều mà nhìn thấy. Vậy nhưng, cho đến giờ, vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm cho việc này, chỉ người được cấp phép phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản nghiệp của mình thành tay trắng.

Đã đến lúc các Bộ, ngành liên quan cần xắn tay vào ngăn chặn, tiêu diệt sinh vật ngoại lai để giảm thiệt hại cho dân, trả lại môi trường sống an toàn cho các sinh vật bản địa trong đó có con người Việt Nam.

Phương Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buông lỏng quản lý sinh vật ngoại lai: "Được một... mất mười"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO