“Bán mồ hôi kiếm bạc lẻ”
Làng muối Sa Huỳnh nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cách thị trung tâm TP. Quảng Ngãi chừng 60km. Những ngày mùa hạ, biển trong xanh, nắng đẹp là lúc đồng muối Sa Huỳnh trắng muốt một màu. Theo các nhà sử học, đồng muối Sa Huỳnh có từ thế kỷ XIX. Trải qua hơn 100 năm, nhưng cách làm muối của diêm dân Sa Huỳnh vẫn giữ truyền thống như thuở ban sơ.
Trải qua hơn 100 năm, nhưng diêm dân Sa Huỳnh vẫn giữ cách làm muối truyền thống xa xưa |
Vụ muối ở Sa Huỳnh bắt đầu từ tháng 3 âm lịch khi con sóng biển yên, nước xanh trong, thủy triều dâng lên hạ xuống theo chu kỳ. Từ 5 giờ sáng, diêm dân đã có mặt trên đồng để thực hiện các quy trình làm muối. Dựa theo con nước thủy triều lên, diêm dân dẫn nước từ kênh, mương đưa vào bọng chứa nước rồi thả nhẹ cho vào ruộng. Sau khi nước tráng đều ô ruộng nhỏ, thì đợi nắng lên để nước mặn dần kết tinh thành muối. Muốn hạt muối trắng ngần, to, diêm dân phải canh nước cho qua ba nắng và khi ruộng muối khô trắng, rồi mới thu hoạch.
Người dân nơi đây thường nói với nhau “xém cháy thịt da, mới ra hạt muối”, đủ để hiểu làm muối cực nhọc như thế nào. “Nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Trời nắng đổ lửa thì chúng tôi lại kéo nhau ra đồng để cào muối rồi oằn lưng gánh muối. Chưa kể những ngày muối ngoài đồng sắp thu hoạch, thì trời đổ mưa. Cả cánh đồng muối không thể cứu vãn được, nên tan lại... thành nước" - diêm dân Trần Văn Dũng cho biết.
Người dân Sa Huỳnh xuống đồng cào muối giữa trưa nắng. |
Đưa tay áo lau mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt sạm đen, hằn sâu vết chân chim theo năm tháng, ông Dũng bảo làm muối cũng cần kinh nghiệm, cào lướt trên mặt ruộng phải nhẹ nhàng, tinh tế. Nhẹ tay chút xíu sẽ bỏ sót nhiều hạt muối ngon. Còn nặng tay, dù chỉ một ít thôi, hạt muối sẽ dính bùn đất.
Vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng nhưng cái nghèo, cái khó vẫn bám lấy diêm dân ở đây. Sản lượng muối Sa Huỳnh luôn ở mức 8.000 tấn mỗi vụ nhưng không có đầu ra. Có những thời điểm mỗi ký muối chỉ bán được 450 - 500 đồng mà cũng phải phải năn nỉ tiểu thương vì chẳng có thị trường tiêu thụ. Người dân Sa Huỳnh không khỏi xót xa khi ví 1 tạ muối không mua nổi một tô phở bình dân.
Trả lại công bằng cho “vàng trắng”
Vài năm gần đây, trên các diễn đàn về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam, cái tên muối SAHU không còn xa lạ. Người đưa muối lên kệ thực phẩm sạch ấy là đứa con của đồng muối Sa Huỳnh - Phạm Hồng Thắm.
Cánh đồng muối Sa Huỳnh rộng khoảng 110 hec ta |
Tốt nghiệp ngành luật tại một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Hồng Thắm không chấp nhận an phận với công việc bình thường, cô bắt đầu xây dựng thương hiệu cho muối của quê hương mình. Cô kể, sinh ra và lớn lên ở làng muối, khi ngồi trên ghế giảng đường cô bàng hoàng vì 100kg muối không mua nổi một bát phở, thứ mà nông dân địa phương cực khổ, vất vả mưu sinh trong nhiều năm qua.
“Tôi không phải là người đổi mới - tôi chỉ đơn thuần đánh thức nền sản xuất mà tổ tiên chúng ta đã thiết lập từ nhiều thế kỷ trước Tôi đã khuyến khích nông dân địa phương sản xuất muối với phương thức sạch nhất, chất lượng tốt nhất và có lợi cho người tiêu dùng chứ không phải để tận thu hàng loạt”- Phạm Hồng Thắm chia sẻ.
Sau khi có muối tươi sạch, Thắm vào tận TP. Biên Hòa (Đồng Nai) để mua lò nung chế biến muối hầm. Đây là những lò nung thủ công được làm từ đất sét trên núi để đảm bảo đất không bị ô nhiễm. Cuối năm 2015, thương hiệu muối SAHU chính thức được Thắm đưa ra thị trường với các loại muối như muối hạt, muối hầm, hoa muối. Câu chuyện về hành trình của hạt muối được Thắm kể trên facebook "Muối SAHU" thuyết phục khách hàng, với hình ảnh nắng và gió, mồ hôi của diêm dân.
Kiểm tra độ mặn của muối khô |
Mặc dù bán với giá cao, muối tươi 16 nghìn đồng/kg, muối hầm 52 nghìn đồng/kg, nhưng các đơn đặt hàng liên tục đến với SAHU. Đến nay, muối SAHU đang được bán ở khoảng 20 đại lý từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu đến TP.Hồ Chí Minh với lượng tiêu thụ hằng tháng khoảng 600kg.
Đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường và quá trình đô thị hóa bùng nổ là những thách thức lớn nhất mà diêm dân ở Sa Huỳnh phải đối mặt kể từ khi huyện Đức Phổ chính thức trở thành thị xã. Những cánh đồng muối được nhường cho đất dự án. Người dân lo ngại, khi khu dân cư hình thành sẽ chắn gió, muối khó mà kết tinh thành hạt. Nước thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái của đồng muối.
Ông Giã Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho hay, hiện có hơn 300 hộ dân đang sống nhờ nghề làm muối. Để giữ gìn truyền thống làng nghề hàng trăm năm tuổi và nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đã xây dựng làng muối Sa Huỳnh trở thành điểm tham quan, tìm hiểu nghề thủ công truyền thống trong chuỗi giá trị của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Hạt muối hóa thân từ biển mặn, có giọt mồ hôi của người vun nghiệp muối trên đồng. |
Phạm Hồng Thắm hy vọng việc công nhận Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn đồng muối Sa Huỳnh.
“Một giải pháp bền vững phải được xác định để cân bằng giữa phát triển đô thị và bảo tồn muối, có như vậy nghề truyền thống ta mới có thể tồn tại lâu dài và người nông dân có thể kiếm sống tốt từ những cánh đồng muối”- Thắm tin tưởng.