Tân sinh viên Đại học TN&MT Hà Nội làm thủ tục nhập học sáng 28/8 |
Từ nhu cầu thực tiễn
Theo tính toán của Bộ TN&MT, nhu cầu nhân lực của Bộ TN&MT và xã hội cho quản lý tài ngyên nước rất lớn. Căn cứ theo quyết định 2476/QĐ-BTNMT, dự kiến đến năm 2020, ngành TN&MT cả nước cần tuyển khoảng 3000 nhân sự cho ngành Tài nguyên nước (TNN).
Trong thực tế, nhân sự ngành quản lý TNN của các tỉnh, thành phố rất mỏng. Tại Sở TN&MT, số biên chế chuyên ngành TNN chưa ở đâu đạt có số đến 03 người, trừ các thành phố trực thuộc Trung ương. “Với địa bàn rộng lại có cả hồ Thác Bà với diện tích rất lớn nhưng cả Sở TN&MT Yên Bái chúng tôi chỉ có 02 cán bộ làm công tác quản lý TNN. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề vì càng ngày công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, về sử dụng nước ngầm… càng cần các cán bộ có chuyên môn cao” - ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái cho hay.
Với địa bàn rộng, Yên Bái và nhiều tỉnh thành đang thiếu cán bộ có trình độ quản lý TNN |
Ngay cả với Hà Nội, hiện vẫn thiếu rất nhiều càn bộ làm công tác quản lý TNN. Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Trọng Lễ - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội chỉ có 9 cán bộ làm công tác quản lý TNN nhưng chỉ 30% trong số này được đào tạo chính quy. “Nước và quản lý TNN đang là vấn đề cấp bách được đề cập hàng ngày. Tuy nhiên, lâu nay ngành này vẫn thiếu cán bộ được đào tạo bài bản. Đặc biệt với 30 quận, huyện thị xã của Hà Nội, tôi nghĩ nhu cầu sử dụng cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành này là khá cao” - ông Nguyễn Trọng Lễ nói.
Đến chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu
Về công tác đào tạo chuyên ngành TNN, tại Đại học TN&MT Hà Nội, Khoa Tài nguyên nước thành lập ngày 18/10/ 2013 với 14 cán bộ giảng viên trong đó có 02 PGS Tiến sỹ, 01 Tiến sỹ, 01 Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, 08 Thạc sỹ… ngành Quản lý Tài nguyên nước đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh khoảng 30 chỉ tiêu từ năm học 2015-2016.
Với chương trình học 4 năm, ngành quản lý TNN là ngành đào tạo về quản lý tổng hợp, quy hoạch, điều tra, phân bổ TNN, pháp luật TNN... Chương trình đào tạo ngành Quản lý TNN được xây dựng bởi các Giáo sư, Tiến sỹ chuyên ngành về tài nguyên nước, thuỷ văn, với sự hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục Hà Lan (theo dự án NICHE ‘‘Nâng cao giáo dục đại học cho ngành Quản lý Tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Việt Nam’’).
Đặc biệt là hướng dẫn của UNESCO về đào tạo ngành quản lý TNN trên toàn thế giới. Dự án NICHE đã đào tạo cho khoa 4 thạc sỹ chuyên ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Ngoài ra, dự án NICHE cũng trang bị cho Khoa Tài nguyên nước phòng Thực hành Viễn thám và GIS, xây dựng dự án Vùng thực tập Quản lý Tài nguyên nước, lưu vực sông Nhuệ-Đáy với việc mua sắm các máy móc, trang thiết bị như máy ACDP, máy đo chỉ tiêu chất lượng nước cầm tay HACH, các thiết bị quan trắc Tài nguyên nước …
Đại học TN&MT Hà Nội luôn trú trọng việc hợp tác quốc tế trong đào tạo chuyên ngành trong đó có ngành Tài nguyên nước |
Trao đổi với phóng viên baotainguyenmoitruong.vn, PGS.TS Phạm Quý Nhân – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Ngành quản lý TNN ở Việt Nam là ngành mới, hiện chưa có trường Đại học nào đào tạo. Với phương pháp tiếp cận mới là đào tạo tổng hợp dựa trên cách tiếp cận của thực tiễn công tác quản lý TNN từ Bộ TN&MT đến các Bộ, ngành và thực tiễn ở địa phương. “Bên cạnh đó, thông qua việc hợp tác với một số trường Đại học của các nước như: Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Mỹ và Nhật Bản, chắc chắn Khoa Quản lý TNN sẽ đào tạo được đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng nhu cầu công việc” - PGS.TS Phạm Quý Nhân khẳng định.
Cũng theo PGS.TS Phạm Quý Nhân, sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý TNN có khả năng đảm nhận công việc thiết kế thi công, quản lý, thực hiện các dự án về tài nguyên nước: cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu chuyên môn, cán bộ giảng dạy… Sinh viên ra trường có khả năng làm việc tại: các đơn vị sự nghiệp của Bộ TN&MT (các trường, Trung tâm quy hoạch điều tra TNN quốc gia, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra TNN, Viện KTTV và Biến đổi khí hậu, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia…, các viện nghiên cứu như Viện quy hoạch Thủy lợi, Viện khoa học Địa chất…, tham gia các dự án, đề tài với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, các dự án Chính phủ, phi Chính phủ về Tài nguyên nước, Thuỷ lợi...
Bài & ảnh: Việt Hùng