Đồng thời, quảng bá những sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước… Đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại chặng đường vẻ vang nhưng cũng đầy cam go gian khó của đội ngũ người làm báo cách mạng, đi lên, sáng tạo và trưởng thành cùng đất nước.
Niềm tin tạo sức mạnh. Sức mạnh của báo chí cách mạng chính là gần dân, nói tiếng nói nhân dân, mang hơi thở cuộc sống vào từng bài viết. Đích đến của những tác phẩm báo chí là chinh phục được trái tim bạn đọc. Trong dòng chảy thông tin 4.0, hiệu ứng dư luận của báo chí rất lớn, càng đặt lên vai người làm báo trọng trách nặng nề. Đi tới cùng sự thật, bạn đọc đang chờ đợi những bài báo sắc sảo phân tích, lý giải đến tận cùng ngọn nguồn của những sự kiện nóng. Điều đó, cần bản lĩnh, tư duy sáng láng của người cầm bút.
Hòa cùng nhịp đập phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã và đang trở thành mối quan tâm lớn của các cơ quan thông tấn báo chí. Bằng chứng là số lượng các bài báo đưa tin ngày càng nhiều hơn và phản ánh nhiều góc cạnh của lĩnh vực này.
Chặng đường xây dựng phát triển đất nước, các cơ quan quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường luôn nỗ lực đưa ra các quyết sách, công cụ kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế, xử lý ô nhiễm, bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên. Chính quyền địa phương các cấp đã từng bước nhận thấy trách nhiệm của mình trong thực thi pháp luật về vấn đề này. Thế nhưng, trong các trường hợp “cụ thể”, không ít địa phương lại dùng dằng, thậm chí, sẵn sàng “hy sinh môi trường” vì mục tiêu phát triển kinh tế. Bài học ưu tiên phát triển mô hình kinh tế “nâu” gây hủy hoại môi trường và suy thoái tài nguyên vẫn chưa có hồi kết.
Điều này thực sự trở thành rào cản lớn đối với các cơ quan thông tấn báo chí. Và thực tế, phóng viên môi trường đang bị những cản trở khiến cho các sản phẩm báo chí rất khó để có được những thông tin đầy đủ cần thiết như mong đợi. Ngoại trừ các cuộc hội nghị khoa học, hội thảo tham vấn, các cuộc phản biện xã hội, các hoạt động, sự kiện môi trường lớn cần sự ủng hộ của các nhà báo, còn lại phần lớn các đối tượng và đầu mối thông tin về các vấn đề nóng đều “ngại” báo chí.
Chúng ta thường thấy, các “đối tượng” phóng viên dễ tiếp cận nhất là các vụ xung đột môi trường giữa cộng đồng dân cư với cơ sở gây ô nhiễm, các hiện tượng cá chết trên các sông suối, các bãi rác thải, hoặc ô nhiễm làng nghề… là những vấn đề “lộ thiên” không bị các rào cản ngăn cách. Chúng ta đọc và cảm kích trước hình ảnh những phóng viên lăn vào rốn lũ, lặn sâu dưới đáy đại dương, dấn thân vào các sự cố môi trường… với khao khát cuối cùng tìm ra sự thật, góp tiếng nói bảo vệ những giá trị vĩ đại từ Mẹ thiên nhiên.
Báo chí là bức tranh của cuộc sống. Nghề báo là “thư ký” của thời đại. Vì vậy, phản ánh thời đại đó có chân thực hay không phụ thuộc vào đạo đức, tư cách và tài năng và của người làm báo...
Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tự hào về đội ngũ người làm báo luôn cháy bỏng tình yêu với nghề và trách nhiệm thông tin với xã hội. Chỉ có tình yêu hòa cùng khát vọng xây dựng tương lai tươi sáng mới đủ sức thuyết phục những người làm báo bước tiếp những bước chân “không mỏi”.