Xã hội

Bừng lên ngày mới

Bút ký của Điêu Chính Tới 03/11/2023 - 18:23
1582179273-1502982665-ha-n-i-s-n-la-i-n-bien-m-ng-ph-ng-m-c-chau.jpg

Tận dụng thế mạnh do thiên nhiên ưu đãi, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã phát triển tiềm năng du lịch địa phương theo hướng du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn liền với truyền thống sản xuất nông nghiệp và bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng. Vùng quê giàu truyền thống cách mạng của Tây Bắc đang đổi thay từng ngày...

tsttourist-van-ho-son-la-voi-ve-dep-hoang-so-va-nhung-dia-diem-khong-the-bo-lo-1.jpg

Những dấu ấn lịch sử đầy tự hào

Mộc Hạ là vùng đất rộng lớn gồm 6 xã: Chiềng Khoa, Tô Múa, Mường Men, Quang Minh, Mường Tè và Song Khủa của huyện Vân Hồ. Với những thuận lợi có tính chiến lược quân sự, vùng đất Mộc Hạ được lựa chọn làm cơ sở xây dựng căn cứ kháng chiến, trở thành một trong những căn cứ cách mạng đầu tiên của tỉnh Sơn La. Trong hồi ký của Trung tướng Trần Quyết - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Tây Bắc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an: “Khoảng đầu năm 1947, tôi hội ý với anh em, rồi thu thập tất cả số thanh niên khỏe mạnh, các đoàn viên thanh niên của Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu và một số anh em lực lượng công an, tất cả được hơn hai chục người, lập ra đội vũ trang tuyên truyền, giao đồng chí Quàng Văn Dương phụ trách”.

Có đội vũ trang, căn cứ Mộc Hạ đã chủ động đánh địch, tham gia cuộc chống càn do một tiểu đoàn Ta Bo (lính da đen) thạo đánh rừng về càn quét. Trong 5 cuộc chống càn, có cuộc kéo dài 15 ngày rất cam go và quyết liệt, có những bản, dân chạy lên núi, chúng đã đốt bản hòng uy hiếp tinh thần nhân dân, đồng thời chúng dùng chiêu trò cài cắm chỉ điểm, mua chuộc dân bằng muối và bạc trắng. Quân Pháp không những không tiêu diệt được đội vũ trang và du kích Mộc Hạ, không lôi kéo được dân theo, mà phong trào đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng ra các xã Mộc Thượng, Tú Nang, Xuân Nha và sau đó cả huyện Mộc Châu.

Các cụ cao niên ở vùng Mộc Hạ còn kể: vào trung tuần tháng 10/1947, có một toán lính Pháp và ngụy thất trận từ dốc Cọ, Xuân Đài (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) dừng chân ở bản Lòm, xã Quang Minh. Bà con trong bản đã dùng rượu ngâm củ ngàm (một loại củ rừng có chứa độc tố) cho chúng uống say rồi báo cho du kích Pơ Tào đến tiêu diệt được 1 tên lính, thu 1 súng máy, 8 súng trường, số địch còn lại hoảng sợ bỏ chạy. Chiến công ở bản Lòm của đội du kích Pơ Tào đã tiếp tục ghi thêm những mốc son lịch sử đầy tự hào, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc tham gia kháng chiến chống giặc, giải phóng quê hương.

Sức sống mới trên vùng quê cách mạng

Nay về thăm lại khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ năm xưa, những câu chuyện về di tích lịch sử hang Pông (căn cứ của đội du kích Pơ Tào năm xưa) hay sự kiện “Hũ rượu ngàm bản Lòm và đội du kích Pơ Tào” vẫn còn lưu giữ mãi trong lòng người dân nơi đây. Cùng với đó, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các xã vùng căn cứ kháng chiến Mộc Hạ năm xưa đã được hưởng nhiều chính sách, chương trình, dự án an sinh, xã hội. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương cũng tích cực phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng, đổi mới quê hương. Giờ đây, có thể thấy, bản mường đông vui, cuộc sống người dân được sung túc hơn, chương trình xây dựng nông thôn mới được hoàn thành. Trường học, đường ô tô đã được xây dựng tại 6 xã khu Mộc Hạ, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, tham quan du lịch của du khách và nhân dân địa phương.

tsttourist-van-ho-son-la-voi-ve-dep-hoang-so-va-nhung-dia-diem-khong-the-bo-lo-2.jpeg

Tự hào khi nói về truyền thống cách mạng và những nỗ lực phát triển kinh tế để giảm nghèo của quê hương, ông Hà Văn Ước - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: xã Quang Minh có hơn 6.000ha đất tự nhiên, trong đó có gần 1.100ha đất sản xuất nông nghiệp, người dân nơi đây chủ yếu là 3 dân tộc Thái, Kinh và Mường sinh sống ở 5 bản. Là vùng núi còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do dân trí không đồng đều, bà con trong xã chủ yếu làm nông, trồng ngô, sắn, nhưng nay xã đã phát huy lợi thế nông nghiệp, phát triển với các giống ngô lai LVN10, 9901, K5859; sắn cao sản; phát triển mô hình chăn nuôi lợn hàng hóa; chuyển đổi 1/3 diện tích trồng ngô năng suất kém sang trồng cây ăn quả như nhãn chín muộn và một số loại cây khác. Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng vùng lòng hồ sông Đà, người dân phát triển nuôi cá lồng, nâng cao nguồn thu nhập, phát triển kinh tế.

Hay tại xã Mường Tè - xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vẫn còn đó những câu chuyện lịch sử về suối Sô Lông, Hang Pông, nhưng Mường Tè hôm nay đã đổi thay với những ngôi nhà kiên cố, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trạm y tế, trường, lớp học được đầu tư khang trang. Cả 9 bản của xã đều có đường giao thông, có trường mầm non; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; các hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Người dân toàn xã vẫn tập trung thâm canh ngô lai, lúa; chăn nuôi trâu, bò, lợn… nhưng nay sát sao thêm “nhiệm vụ” khoanh nuôi bảo vệ hơn 2.000ha rừng. Nhờ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng và phát triển sinh kế từ rừng, độ che phủ rừng của xã này đã đạt trên 80%. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; an ninh trật tự, an toàn xã hội, khối đoàn kết toàn dân được củng cố giữ vững, xã không có người liên quan đến ma túy, không có tệ nạn xã hội.

Với 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, để phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa, huyện Vân Hồ đã chú trọng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển bền vững. Theo đó, huyện đã xây dựng Chương trình hành động về phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025, đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mang tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, có sự tương hỗ của ngành nông nghiệp, sản phẩm du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.

1607_12.png
Thác Tạt Nàng

Song song với việc xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, bền vững; huyện Vân Hồ đồng thời cũng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch qua các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao... Điển hình như tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc nhân dịp Tết Độc lập 2/9, nay phát triển thành Chương trình “Sắc màu Vân Hồ”; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng gắn với các bản du lịch cộng đồng phục vụ nhân dân và du khách; Duy trì tổ chức lễ hội Hoa Ban tại xã Chiềng Khoa; tổ chức Ngày hội hoa Đào ở Lóng Luông; thăm thú các cảnh quan thiên nhiên độc đáo như thác Tạt Nàng, suối nước nóng Chiềng Yên, thác Chiềng Khoa, thác Nàng Tiên (xã Chiềng Khoa), rừng già Xuân Nha, Pa Cốp hùng vĩ hay kỳ bí với hang mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng)…

Nhiều mô hình bản du lịch cộng đồng cũng được xây dựng và phát triển, nổi bật như bản du lịch cộng đồng Hua Tạt, xã Vân Hồ được đánh giá là điểm sáng, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, là mô hình được nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan học tập; Đầu tư phát triển các mô hình homestay một cách quy mô, bài bản, lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm thực tế về văn hóa của người đồng bào dân tộc như vẽ sáp ong trên vải, giã bánh dày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống…

hua-tat.jpg
Bản Hua Tạt bình yên giữa núi rừng Sơn La

Mảnh đất Vân Hồ lịch sử đầy tự hào nay đã “khoác áo mới”. Sự phát triển từ du lịch, sự ra đời của những công trình và hệ sinh thái du lịch đã làm thay đổi diện mạo những vùng đất, những cuộc đời… đánh thức tiềm năng của Vân Hồ. Một Vân Hồ mới trên đà phấn đấu trở thành địa phương giàu về kinh tế và là điểm du lịch đáng đến không chỉ của người dân trong và ngoài tỉnh mà còn thu hút nhiều du khách thập phương.

Ngày mới đang bừng lên trên quê hương Vân Hồ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bừng lên ngày mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO