Tham dự buổi họp Nghiệm thu có ông Triệu Việt Phương - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cùng các chuyên gia của Viện; GS-TS Đinh Thị Ngọ - Cố vấn đề tài, Trưởng ban soạn thảo Tiêu chuẩn xăng dầu; Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ nhiệm đề tài cùng các cố vấn, chuyên gia thực hiện nhiệm vụ.
Về phía BSR, có ông Mai Tuấn Đạt - Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Giám đốc Nhà máy; ông Đặng Ngọc Đình Điệp - Phó Giám đốc Nhà máy, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đề tàicùng các thành viên của Hội đồng.
Đề tài KHCN “Nghiên cứu ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) thực hiện theo Hợp đồng số 263-2021/HĐ/BSR-VSQI ký kết với Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn ngày 19/5/2021.
“Nghiên cứu ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” là đề tài khoa học có tính cấp bách và thực tiễn cao vì kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở ban đầu để giúp các cơ quan/đơn vị soạn thảo, nhà quản lý xem xét hàm lượng Olefin tối đa trong xăng trong các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia sẽ ban hành trong tương lai.
Trên cơ sở tham khảo các kết quả nghiên cứu khoa học và ý kiến các chuyên gia trên thế giới, Nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp thống kê, thu thập dữ liệu, phân tích, xác định chỉ tiêu chất lượng của nhiên liệu xăng theo tiêu chuẩn hiện hành tại phòng thí nghiệm của BSR và các trung tâm thử nghiệm uy tín tại Việt Nam; Phương pháp xác định lượng khí thải độc hại của động cơ theo chu trình thử nghiệm khí thải chuẩn; Phương pháp xác định tính năng của động cơ theo các chế độ thử nghiệm tại phòng thí nghiệm động cơ Trường đại học Bách Khoa Hà Nội và thực hiện thử nghiệm về xe ô tô theo tiêu chuẩn khí thải mức V tại Cục Đăng kiểm – Bộ Giao thông Vận tải.
Nhiên liệu để phục vụ thử nghiệm là các mẫu xăng được pha chế tại BSR được bảo quản trong thời gian 3 tháng và tất cả các mẫu xăng (mới pha và lưu trong thời gian từ 1 đến 3 tháng) đều đạt chỉ tiêu chất lượng (on-spec) theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 1:2015/BKHCN và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6776: 2013 cho xăng mức III và Tiêu chuẩn Euro V cho xăng mức V trừ chỉ tiêu hàm lượng Olefin.
Về ảnh hưởng của hàm lượng Olefin đến chất lượng khí thải: Chất lượng khí thải hai xe máy Honda Vision (29M1-704.93 và 29N1-677.79) khi sử dụng hai mẫu xăng mức III (hàm lượng olefin 30 và 38%tt) và ô tô Mazda 2 sử dụng hai mẫu xăng mức V (hàm lượng olefin 18 và 30%tt) thử nghiệm theo chu trình đều đạt QCVN 77:2014/BGTVT khí thải đầu ra mức III cho xe máy và QCVN 109:2021/BGTVT khí thải đầu ra mức V cho ô tô.
Các thử nghiệm đối chứng của hai mẫu xăng mức III (hàm lượng olefin 30 và 38%tt) trên xe máy Honda Vision 29M1-704.93 và hai mẫu xăng mức V (hàm lượng olefin 18 và 30%tt) trên ô tô Mazda 2 (30G-701.08) đều cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào về công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu và thành phần khí thải (CO, NOx, HC và CO2) khi sử dụng các mẫu xăng thử nghiệm mức III và mức V.
Về ảnh hưởng của hàm lượng Olefin đến tính năng hoạt động của động cơ: Khi tăng hàm lượng Olefin trong xăng mức III từ 30 lên 38%tt và mức V từ 18 lên 30%tt không nhận thấy sự khác biệt về công suất và suất tiêu hao nhiên liệu của động cơ xe máy và ô tô tương ứng trong thử nghiệm tại chế độ ổn định 100% tải. So sánh các kết quả từ các thử nghiệm chạy thực tế cũng cho kết quả tương tự không có sự thay đổi về công suất, suất tiêu hao nhiên liệu và chất lượng khí thải (CO, NOx, HC và CO2) của động cơ sau khi chạy thực tế 5000 km so với trước khi chạy thực tế. Điều này chứng minh động cơ hoạt động ổn định sau quãng đường 5000 km.
Theo như các kết quả đã thu được trong đề tài nghiên cứu với hai mẫu xe máy Honda Vision (29M1-704.93 và 29N1-677.79) thử nghiệm hai mẫu xăng mức III (hàm lượng olefin 30 và 38%tt) và xe ô tô Mazda 2 (30G-701.08) thử nghiệm hai mẫu xăng mức V (hàm lượng olefin 18 và 30%tt), kết quả cho thấy ảnh hưởng của hàm lượng olefin trong thành phần xăng lên nồng độ khói thải của động cơ không có sự khác biệt rõ ràng về nồng độ các chất độc hại trong khói thải khi hàm lượng olefin thay đổi 30% hay 38%tt trong xăng mức III và 18% hay 30%tt trong xăng mức V.
Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả kiến nghị đến các bộ ngành liên quan hàm lượng olefin trong xăng nhiên liệu đối với các Tiêu chuẩn/Quy chuẩn Việt Nam mức III nên là 38%tt và mức V nên là 30%tt để xem xét đưa vào quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia ban hành trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp xét duyệt và nghiệm thu, các chuyên gia, cố vấn cũng như các thành viên của Hội đồng đều đánh giá cao đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, có phương pháp luận mới, nội dung và kết quả nghiên cứu đã đáp ứng các yêu cầu đề ra.
Tuy nhiên để Đề tài có tính thuyết phục hơn, đặc biệt là đối với Ban soạn thảo tiêu chuẩn của Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, nhóm nghiên cứu cần có thêm những viện dẫn trên thế giới để khẳng định những kết luận của đề tài; Thông tin cụ thể và đầy đủ hơn, bổ sung nguồn gốc, bản chất và thành phần của Olefin trong xăng; Cần công bố quốc tế về kết quả đề tài đã nghiên cứu.
Phát biểu tổng kết buổi làm việc Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Mai Tuấn Đạt nhấn mạnh kết quả nghiên cứu của đề tài đã đáp ứng mục tiêu trong Hợp đồng đã ký kết. Những kết luận trong nghiên cứu của đề tài đưa ra có tính thuyết phục cao. Đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Hội đồng cũng như của các nhà phản biện, cố vấn, chuyên gia để hoàn thiện đề tài.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu xác định rõ được ảnh hưởng của Olefin trong xăng thương phẩm đến chất lượng khí thải và hoạt động của động cơ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ làm cơ sở đề xuất vào Tiêu chuẩn xăng dầu Việt nam ban hành trong tương lai. Điều này có ý nghĩa rất lớn và sẽ có ảnh hưởng tích cực, tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.