"Bỗng dưng" mất đất ở Bắc Giang: Bài 1 - Cho thuê 10 năm, mất đất vĩnh viễn

15/03/2016 00:00

(TN&MT) - Chuyện thật như đùa này diễn ra tại xóm 6 (xã Việt Tiến - Việt Yên - Bắc Giang) khi 28 hộ dân đồng loạt làm đơn tố cáo chính quyền địa phương làm giả hồ sơ giấy tờ cướp trắng đất nông nghiệp của họ. Điều đáng nói là các hộ dân, vẫn cầm sổ đỏ trong tay nhưng hiện tại đất của họ đã được sang tên cho Doanh nghiệp. Nhiều năm nay, họ đội đơn đi cầu cứu khắp nơi nhưng đất không đòi được và những văn bản trả lời của các cơ quan chức năng ngày càng dầy hơn.

“Lẳng lặng” chuyển đổi đất

Câu chuyện người dân cho Doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp rồi đất đó “nhảy tót” vào sổ đỏ của Doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang không phải là hiếm. Vừa qua, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh về việc này tại xã Đào Mỹ - huyện Lạng Giang khi 30 hộ dân cho doanh nghiệp Anh Đào thuê đất làm xưởng gỗ trong 10 năm. Hết thời hạn thuê, người dân mới ngã ngửa khi chính quyền nơi đây đã “lẳng lặng” cấp sổ đỏ toàn bộ diện tích đất đi thuê cho Doanh nghiệp.

Trong khi sổ đỏ của người dân vẫn còn, UBND huyện Việt Yên đã đồng ý cho Doanh nghiệp thuê đất làm Dự án.
Trong khi sổ đỏ của người dân vẫn còn, UBND huyện Việt Yên đã đồng ý cho Doanh nghiệp thuê đất làm Dự án.

 

 Vụ việc tiếp theo là đơn kêu cứu khẩn cấp của 28 hộ dân tại thôn Kép (nay là xóm 6), xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, nơi cũng xảy ra tình trạng cho thuê đất rồi mất luôn. PV đã gặp 28 hộ dân có đất cho thuê và được họ kể lại toàn bộ câu chuyện.

Theo ông Hưng, năm 2002, các hộ dân nhận được thông báo của ông Giáp Văn Huấn -  Trưởng thôn tới vận động, thông báo có ông Hà Chuẩn Chinh ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa – Bắc Giang) muốn về thuê đất để mở nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, xây dựng trại chăn nuôi. Sau nhiều cuộc họp để thống nhất giá tiền và thời gian thuê, họ đồng ý cho ông Chinh thuê đất với thời hạn 10 năm, giá tiền là 4.250.000 đồng/1 sào. Tại thời điểm đó, giữa họ và ông Chinh có thiết lập một hợp đồng với các điều khoản để làm căn cứ pháp lý sau này với sự chứng kiến của lãnh đạo thôn và ông Đoàn Văn Riên - Bí thư Đảng ủy xã. Sau khi nhận tiền, họ đã giao 17.134m2 đất nông nghiệp cho ông Chinh sử dụng. Lúc bấy giờ, cũng chính vì do tin tưởng lãnh đạo thôn và ông Riên nên họ chủ quan không giữ lại một bản hợp đồng thuê đất giữa 2 bên mà giao toàn bộ cho ông Chinh giữ.

 Tới năm 2013, hết thời hạn cho thuê đất, các hộ dân muốn lấy lại diện tích đất cho thuê, ông Chinh trả lời rằng, Nhà nước đã giao 50 năm cho ông sử dụng và cấp bìa đỏ. Tưởng ông Chinh nói đùa, thế nhưng khi tìm hiểu ra người dân mới ngỡ ngàng khi không hiểu vì sao mà diện tích đất đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất lại dễ dàng nằm ngọn trong sổ đỏ của ông Chinh trong khi sổ đỏ họ vẫn giữ và đất đai cũng không hề bị điều chỉnh biến động tăng giảm.

Ông Giáp Văn Hưng, một trong các hộ dân bị mất đất khẳng định, ông và các hộ chỉ ký tên duy nhất một lần vào biên bản nhận tiền cho thuê đất, nhưng không hiểu bằng cách nào mà hàng loạt giấy tờ liên quan tới việc chuyển nhượng đất lại có chữ ký của người dân nơi đây trong khi không một ai nhìn thấy những giấy tờ này trước đó?

Ai “tiếp tay” cho doanh nghiệp?

Căn cứ vào tài liệu do người dân cung cấp sau khi thuê được đất, ông Chinh đã lập ra một dự án có tên “Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và trang trại chăn nuôi” trên diện tích đất đã thuê được của người dân. Ngày 7/10/2002 ông Chinh làm đơn gửi UBND xã Việt Tiến, UBND huyện Việt Yên xin thuê 17.134m2 đất với thời hạn là 50 năm, trả tiền làm 2 lần kèm theo phương án bồi thường có đơn giá 9700đ/m2 đối với đất, còn hoa mầu là 2220đ/m2.

Điều đáng ngạc nhiên trước khi ông Chinh làm đơn xin thuê đất gần một tuần, ngày 2/10/2002 ông Đặng Văn Dừa – Chủ tịch UBND xã Việt Tiến thời đó đã “biết trước” việc thuê đất của ông Chinh nên có Tờ trình số 64/TT-UB đề nghị UBND huyện phê duyệt - Quyết định hồ sơ xin thuê đất của ông Hà Chuẩn Chinh. Cùng ngày, UBND xã tiếp tục ban hành Văn bản số 65/PA trình UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường đất nông nghiệp sang làm khu chế biến thức ăn gia súc. Trong đó, đất nông nghiệp đã cấp sổ đỏ cho người dân là 9.922,4 m2 với số tiền đền bù hơn 96 triệu đồng, đất công ích (5%) do UBND xã quản lý là 6.877,6 m2 với số tiền đền bù hơn 66 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 20/10/2002 UBND xã Việt Tiến tiếp tục có Tờ trình số 69/TT-UB đề nghị huyện cho điều chỉnh bổ sung quy hoạch 17.134 m2 đất. Sau đó, UBND huyện Việt Yên đã ban hành 3 Quyết định hành chính để hợp thức hóa việc thuê đất của ông Chinh, đó là các Quyết định số 1334/QĐ-UB ngày 8/11/2002 về việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất. Quyết định số 1374/QĐ-CT ngày 25/11/2002 phê duyệt phương án bồi thường đất và hoa mầu trên đất. Và Quyết định số 1452/QĐ-CT ngày 20/12/2002 đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng 17.134m2 đất nông nghiệp và cho ông Chinh thuê 14.326m2 đất có thời hạn 50 năm để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc và trại chăn nuôi.

Như vậy, có thể thấy, quy trình chuyển đổi đất nông nghiệp của 28 hộ dân sang thành đất dự án của doanh nghiệp diễn ra một cách bài bản, nhưng vì sao lại bị người dân phản đối kịch liệt?. Để rộng đường dư luận, PV đã đến trụ sở UBND xã Việt Tiến và UBND huyện Việt Yên để đặt lịch làm việc nhưng các lãnh đạo đều đi vắng nên chưa có câu trả lời cụ thể, chỉ duy nhất có cán bộ địa chính xã ở nhà. Qua trao đổi và các tài liệu đi kèm, dễ nhận thấy, đó là việc kiểm kê đất; tài sản trên đất và bảng tổng hợp đền bù có dấu hiệu không bình thường bởi những tiết lộ động trời của vị cán bộ này về việc cán bộ địa chính xã thời đó chỉ đạo cho trưởng thôn mạo danh chữ ký người dân, tự ý ký thay người dân vào các văn bản nhận tiền đền bù chiếm để chiếm giữ và hợp thức hóa hồ sơ.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.

Nhóm PVĐT

Bài 2. Màn kịch đang dần bị “lật tẩy”

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bỗng dưng" mất đất ở Bắc Giang: Bài 1 - Cho thuê 10 năm, mất đất vĩnh viễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO