Bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển: Cần có văn bản thống nhất

27/08/2019 10:16

(TN&MT) - Sự cố tràn dầu trên biển được xem là thảm họa đối với môi trường, sinh thái biển và vùng bờ, tài sản, sức khỏe, tính mạng của tổ chức, cá nhân. Tuy vậy, để quy trách nhiệm và yêu cầu đơn vị, tổ chức, cá nhân bồi hoàn tổn thất do sự cố này gây ra phải vận dụng nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên cần có một văn bản thống nhất để xử lý.

Cụ thể, các quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường được quy định trong pháp luật về môi trường; xác định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định trong pháp luật dân sự; ngoài hình thức tự thỏa thuận việc bồi thường với người gây thiệt hại, hình thức giải quyết bồi thường bằng trọng tài hoặc tòa án được quy định trong pháp luật trọng tài và pháp luật tố tụng dân sự. Ngoài ra, việc bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu trên biển còn tuân thủ quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc xác định và bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển được nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh Ảnh MH
Việc xác định và bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển được nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh. Ảnh MH

 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, theo đó, ô nhiễm môi trường và hậu quả do ô nhiễm môi trường phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời; hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường của tổ chức, cá nhân phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

 Nghị định số 03/2015NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường bao gồm: Thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường, tính toán thiệt hại đối với môi trường và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra. Các trường hợp thiệt hại đối với môi trường không áp dụng do một trong các nguyên nhân sau đây: Do thiên tai gây ra; gây ra bởi trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết phải tuân theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 Đối với thiệt hại về tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại, phải bồi thường và trường hợp tài sản gây thiệt hại, chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Luật có quy định khác).

 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp bao gồm cả tranh chấp dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để toà án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại tòa án. Do đó, việc giải quyết bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển có thể lựa chọn giải quyết tại tòa án.

 Việc bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu có thể được lựa chọn tại giải quyết tại trọng tài, do Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thẩm quyền của trọng tài bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

 Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại ô nhiễm dầu, việc xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại còn tuân thủ các quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các trường hợp thuộc điều chỉnh của các công ước này. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Nghị định thư 1992 sửa đổi Công ước quốc tế về giới hạn trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại do ô nhiễm dầu 1969 (CLC 92) và Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại ô nhiễm dầu từ kho nhiên liệu của tàu 2001 (Bunker 2001).

 Bunker 2001 quy định việc khiếu nại bồi thường chống lại chủ tàu hoặc người bảo đảm hoặc người khác cung cấp bảo đảm cho trách nhiệm của chủ tàu và chỉ có thể đưa ra tòa án của bất kỳ quốc gia thành viên nào. Công ước quy định trách nhiệm dân sự của chủ tàu hoặc người bảo hiểm đối với tàu có trọng tải >1.000 tấn khi sự cố ô nhiễm dầu xảy ra có nguyên nhân từ dầu chứa trong kho nhiên liệu của tàu. Công ước này chỉ áp dụng cho “dầu chứa trong kho nhiên liệu” nghĩa là dầu thô Hydrocarbon, bao gồm cả dầu bôi trơn, đã được sử dụng hoặc dự tính được sử dụng cho hoạt động của tàu và bất kỳ chất cặn nào của dầu này.

 Như vậy, việc xác định và bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển được nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhiều chỉnh. Điều này thực sự gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại để yêu cầu đòi bồi thường. Để việc đòi bồi thường thiệt hại được thuận lợi nhằm khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra từ sự cố tràn dầu, việc nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng điều chỉnh vấn đề này hoặc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình xác định thiệt hại và đòi bồi thường là rất cần thiết trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi thường thiệt hại do sự cố tràn dầu trên biển: Cần có văn bản thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO