Tài nguyên

Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản

Mai Đan 03/07/2023 - 19:00

(TN&MT) - Chiều 3/7, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản (dự thảo Nghị định). Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp.

img_5411.jpg
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Đối với Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, dự thảo Nghị định đã sửa đổi khái niệm “khoáng sản đi kèm”; bổ sung, sửa đổi các quy định về trữ lượng được huy động vào thiết kế khai thác; sử dụng đất, đá thải trong quá trình khai thác khoáng sản; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia; hồ sơ, thủ tục hành chính theo hướng cải cách thủ tục hành chính.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung Hồ sơ đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản giữa các cơ quan nhà nước; trình tự thực hiện thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản; sửa đổi phạm vi áp dụng bản đồ hiện trạng mỏ, mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản theo hướng chỉ áp dụng đối với khoáng sản rắn; trạm cân…

Đối với Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung các quy định về xác định giá khởi điểm; tiền đặt trước; xử lý tiền đặt cọc; thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, cấp Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số trường hợp: không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ, đầy đủ theo quy định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; các trường hợp quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định, phương án thu, nộp tiền trúng đấu giá theo hướng tương tự như đối với khu vực được cấp phép không thông qua đấu giá nhằm đảm bảo phù hợp, bình đẳng giữa tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản; bổ sung quy định về tính tiền trúng đấu giá đối với khoáng sản khác phát hiện trong quá trình thăm dò (ngoài loại khoáng sản chính đã đưa ra đấu giá) và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

img_5402.jpg
Ông Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại cuộc họp

Đối với Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Điều 3 của dự thảo Nghị định đã đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm làm rõ hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác; làm rõ hơn mốc thời gian xác định trữ lượng còn lại để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các Giấy phép khai thác cấp trước ngày 1/1/2014, nhằm phù hợp với Nghị quyết số 101/2019/QH14, không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 từ 1/7/2011 đến hết ngày 31/12/2013.

Đồng thời, bổ sung quy định về xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp gia hạn Giấy phép khai thác khoảng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên áp dụng giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong trường hợp UBND cấp tỉnh ban hành nhiều loại giá thuế tài nguyên cho một loại khoáng sản; cách xác định số tiền nộp từ lần thứ hai trong trường hợp có sự thay đổi đồng thời giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhằm thống nhất cách áp dụng trên toàn quốc.

Dự thảo Nghị định quy định về cách xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với hoạt động thu hồi khoáng sản đi kèm, khoáng sản tại bãi thải của mỏ theo giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, cát, sỏi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi; bổ sung tính tiền cấp quyền khai thác nước khoáng, nước nóng đối với trường hợp gia hạn Giấy phép; sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Điều 3 của dự thảo Nghị định làm rõ hơn trách nhiệm của cơ quan thuế phải ra thông báo nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân sau khi nhận được quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hoặc văn bản xác định số tiền nộp hàng năm của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc.

Đối với Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định thời gian khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều tại khoản 1 Điều 9 Nghị định; bổ sung yêu cầu của bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông: yêu cầu khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong khu vực cảng đường thủy nội địa, bến thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa; bãi bỏ quy định UBND cấp tỉnh chủ trì tổ chức đấu giá đối với khối lượng sản phẩm là cát, sỏi lòng sông thu hồi được từ các dự án duy tu, nạo vét luồng thuộc vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.

Đối với Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Cục Khoáng sản Việt Nam đã bổ sung vào dự thảo Nghị định mẫu báo cáo đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng, giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dữ trữ khoáng sản quốc gia quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này.

Đối với Nghị định số 36/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, cơ quan chủ trì soạn thảo đã sửa đổi quy định xử phạt đối với hành vi vượt công suất khai thác ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản; thay thế cụm từ “Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam” bằng cụm từ “Cục Khoáng sản Việt Nam” tại Điều 63 và Điều 69 của Nghị định để Cục Khoáng sản Việt Nam có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

img_5415.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã nêu ý kiến đối với dự thảo Nghị định, trong đó tập trung vào sự cần thiết ban hành Nghị định; đối tượng, phạm vi điều chỉnh đối với dự thảo Nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Các ý kiến thẩm định cũng tập trung vào sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với văn bản được quy định chi tiết đối với nghị định; sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị định với các chính sách đã được thông qua trong đề nghị xây dựng nghị định; sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định, nếu trong dự thảo Nghị định có quy định thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Nghị định, nếu trong dự thảo Nghị định có quy định liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành nghị định; ngôn ngữ, kỹ thuật và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

Kết thúc cuộc họp, bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và đề nghị Cục Khoáng sản Việt Nam tiếp thu ý kiến của các thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO