Tại phiên chất vấn, theo dự kiến, người đứng đầu ngành Y tế cả nước sẽ trả lười chất vấn gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần đăng đàn trước Quốc hội. Ảnh: chinhphu.vn |
Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình nếu có các vị đại biểu đặt câu hỏi.
Theo Báo cáo trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XIV của Bộ Y tế gửi Quốc hội ngày 9/6/2017, trong thời gian vừa qua, hệ thống y tế cơ sở đã từng bước được củng cố và phát triển, bao phủ rộng khắp toàn quốc, 100% số xã, phường, thị trấn đã có cán bộ y tế hoạt động, trong đó chỉ có 0,6% số xã chưa có cơ sở nhà trạm; 78,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc, 98,2% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi, 88% số tổ dân phố và thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, trong đó 96,9% thôn bản vùng khó khăn có nhân viên y tế thôn bản, 65% số trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Số nhân lực y tế tuyến huyện là 109.000 người, trong đó có 19.000 bác sỹ (35% tổng số bác sỹ tại các địa phương). Tổng số nhân viên y tế tuyến xã khoảng 71.000 người chiếm 23% tổng số nhân lực y tế của các tỉnh, trong đó có khoảng 8.500 bác sỹ.
Hiện có 19/63 tỉnh thực hiện mô hình trung tâm y tế huyện 2 chức năng – khám, chữa bệnh và y tế dự phòng; có 629 bệnh viện đa khoa tuyến huyện với 71.336 giường bệnh, 544 phòng khám đa khoa khu vực với 6.134 giường bệnh (chiếm 50,4% tổng số bệnh viện và 26,5% giường bệnh của cả nước).
Chính phủ đã ưu tiên đầu tư nguồn vốn trái phiếu chính phủ để xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất cho 598 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực. Nhiều trạm y tế xã cũng được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới từ nguồn ngân sách địa phương và viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài. Đã thực hiện được một số chế độ, chính sách cho y tế cơ sở, như: phụ cấp ưu đãi cho TYT xã được 40%, trong khi đó mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70%, phụ cấp thường trực (Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ); nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản không có lương nhưng được phụ cấp với mức 0,5 lương cơ sở đối với thôn bản vùng khó khăn, 0,3% đối với các thôn bản tại các xã còn lại (Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ); phụ cấp thu hút ở vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị định 64/2009/NĐ-CP của Chính phủ, được hưởng 70% lương nhưng chỉ trong thời hạn 05 năm.
Y tế cơ sở luôn đóng vai trò là nền tảng và là niềm tự hào của y tế Việt Nam nhiều năm qua; đặc biệt là vai trò then chốt trong việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, quản lý sức khỏe các đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, người khuyết tật, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, giám sát và khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Một số trạm y tế xã đã bước đầu thực hiện quản lý một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…
Người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến YTCS, đặc biệt là bệnh viện đa khoa huyện tăng lên rõ rệt (Tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng từ 11,9% năm 2004 lên 17,6% năm 2010, lượt KCB nội trú tăng từ 35,4% năm 2004 lên 38,2% năm 2010). Đã triển khai KCB BHYT tại khoảng 80% tổng số trạm y tế. Các bệnh viện, trung tâm y tế huyện được đầu tư nâng cấp, được chuyển giao kỹ thuật nên năng lực cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như chất lượng dịch vụ được cải thiện.
Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, nên dù còn là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt trong việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao…
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đang diễn ra và dự kiến kéo dài đến hết ngày 14/6. Báo điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.
Hải Ngọc - Châu Tuấn