Bộ trưởng Xây dựng: Không nên lo "bong bóng" BĐS

17/11/2015 00:00

(TN&MT) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Không lo “bong bóng” thị trường BĐS”.

Chất vất Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề nhà ở và thị trường BĐS, đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: Hiện nay, thị trường BĐS đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều dự án BĐS đã tái khởi động trở lại. Đây là dấu hiệu đáng mừng, nhưng hiện đang có hiện tượng một số chủ dự án lớn găm hàng, tăng giá và họ coi đây là nghệ thuật kinh doanh. Trong khi giá nhà ở còn cao, điều kiện của người dân còn khó khăn thì đây có phải là nghệ thuật kinh doanh lành mạnh không? Có phải là tác nhân kích thích hiện tượng “bong bóng” BĐS quay trở lại như trước đây không? Nếu đúng như vậy, Bộ Xây dựng có cácgiải pháp gì để chấn chỉnh ngăn ngừa?

Trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Không lo “bong bóng” thị trường BĐS”
Trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Không lo “bong bóng” thị trường BĐS”. Ảnh: chinhphu.vn

Không lo “bong bóng” BĐS

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Không lo “bong bóng” thị trường BĐS. Bộ trưởng Xây dựng phân tích: Từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường BĐS đã dần từng bước được cải thiện và phục hồi rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có những người dân nghèo, không đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường.

Ông Trịnh Đình Dũng cho biết: Theo các nghiên cứu của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của những nước đã trải qua thời kỳ bong bóng BĐS chỉ xảy ra khi có một trong những yếu tố như sau: Thứ nhất, nền kinh tế phát triển không ổn định, phát triển nóng.

Thứ hai, các thị trường khác hoạt động không ổn định, nên người ta sẽ dồn tiền vào thị trường BĐS; Thứ ba, nguồn cung BĐS thiếu hoặc lệch pha cung cầu; Thứ tư, chính sách tài chính tín dụng BĐS lỏng lẻo, chứng khoán hóa BĐS, hạ chuẩn tín dụng BĐS một cách dễ dàng, do đó, dẫn đến nguy cơ “bong bóng” BĐS. Và thứ năm là thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của Nhà nước trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng đặc biệt là quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường BĐS.

“Nếu đem các yếu tố trên, đối chiếu với tình hình hiện nay, khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng BĐS vì kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng dẫn đến ổn định, cùng với các yếu tố khác” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, diễn biến của thị trường BĐS rất phức tạp nên không thể chủ quan, cần phải chủ động để thị trường phát triển bền vững. Nếu thị trường BĐS phát triển bền vững thì sẽ làm cho những thị trường có liên quan như thị trường tài chính, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng và các thị trường khác ổn định…

 Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, muốn không để xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS cần phải thực hiện một loạt các giải pháp trong thời gian tới
Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, muốn không để xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS cần phải thực hiện một loạt các giải pháp trong thời gian tới. Ảnh: Việt Hùng

Các giải pháp ổn định thị trường BĐS

Vẫn trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng, muốn không để xảy ra hiện tượng bong bóng BĐS cần phải thực hiện một loạt các giải pháp: Trước hết là tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị, các pháp luật liên quan đến phát triển kinh doanh BĐS và nhà ở. Vừa rồi một loạt các chính sách đã ban hành, cụ thể hóa, kịp thời bổ sung những vấn đề nóng, còn thiếu xót, hạn chế, thiếu hụt.

Tiếp đến cần phải tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, nhưng đặc biệt là theo kế hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư chỉ theo quy hoạch mà không có kế hoạch, tức là không căn cứ vào khả năng nguồn lực, khả năng thanh toán của nền kinh tế, đầu tư quá nhiều dự án, đến lúc bỏ hoang. Hoặc là đầu tư nhưng lại không đủ tiền để đầu tư các dự án quá dài về thời gian.

Bên cạnh đó, cần kiên trì thực hiện các giải pháp về kiểm soát phát triển thị trường BĐS gắn với chiến lược nhà ở trong đó tiếp tục tái cơ cấu thị trường BĐS, tái cơ cấu các sản phẩm để đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản. Thay vì trước đây thị trường đóng băng, các sản phẩm chỉ phục vụ cho một nhóm những người có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường. Còn thiếu rất nhiều các sản phẩm cho những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp, trong khi đó những người này đang rất cần hoặc nếu thiếu thì được hỗ trợ để mua nhà ở xã hội. Chúng ta cần đa đạng hóa sản phẩm BĐS để mọi người dân đều được cải thiện về nhà ở theo khả năng thanh toán và có thể có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là kiểm soát thị trường tài chính tín dụng, trong đó phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn tín dụng đầu vào thị trường BĐS.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, cần tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp BĐS, tăng tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp để chúng ta có thể khắc phục được sản phẩm kém chất lượng và những doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh, dẫn đến thua lỗ, thiệt hại cho khách hàng và nền kinh tế….

Hải Ngọc (lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Xây dựng: Không nên lo "bong bóng" BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO