Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

01/11/2018 13:03

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình nghị sự của Quốc hội, tại phiên chất vấn sáng 1/11, Bộ  trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời cụ thể, cặn kẽ từng vấn đề mà các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm…

0111 Bộ trưởng trả lời chất vấn
Bộ  trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 1/11. Ảnh: Quốc Khánh


Triển khai Nghị quyết số 120/NQ- CP sẽ đem lại sinh kế và sự bền vững vùng ĐBSCL

Trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về việc triển khai Nghị quyết số 120/NQ- CP và các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm vấn đề biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết có liên quan chủ động ứng phó biến đối khí hậu; xây dựng Chiến lược về BĐKH. Và đặc biệt, tháng 9/2017 Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là Hội nghị lớn tập trung ý chí, trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long. Sau Hội nghị này Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu ở ĐBSCL đang diễn ra hết sức phực tạp, vì thế, không chỉ riêng những người dân vùng ĐBSCL, mà mong muốn của Chính phủ cũng như những người làm công tác liên quan đến lĩnh vực này đều kỳ vọng Nghị quyết 120 triển khai thật nhanh.

Trên thực tế Nghị quyết này đang được triển khai. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Chương trình, kế hoạch hành động cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực. Theo đó, các Bộ ngành địa phương đang đề xuất những dự án rất cụ thể trên tinh thần tiếp cận quản lý tổng hợp vùng đối với ĐBSCL. Dự kiến nguồn vốn triển khai kế hoạch này là trên 12.000 tỷ đồng và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ kế hoạch và các dự án kèm theo.

Song song với chương trình, kế hoạch dự án, hiện nay chúng ta đang triển khai dự án của Ngân hàng Thế giới do Bộ NN&PTNT chủ trì, tập trung vào xây dựng thí điểm các mô hình sinh kế, liên quan đến hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản, xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Vừa rồi Chính phủ đã chi trên 1.500 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề sạt lở bở sông, bờ biển; mới đây Quốc hội đã quan tâm dự kiến dành 10.000 tỷ đồng trong nguồn kinh phí dự trữ 10% sẽ được chi cho các hoạt động này. Nói như vậy để thấy rằng, thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách cũng như các dự án đầu tư.

Chương trình đưa ra quy hoạch tích hợp tổng thể không gian, từ đó lựa chọn những vấn đề liên vùng để làm trước, theo lộ trình, trên cơ sở đó bố trí kinh phí. Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì xây dựng quy hoạch này, có danh mục triển khai cụ thể, từ vấn đề nghiên cứu đến triển khai thực tế; vấn đề công trình đến phi công trình…

Nhiều nơi, hiệu quả đã bắt đầu hiện rõ, và chúng tôi cũng tin tưởng rằng, khi các Chương trình mục tiêu được triển khai đồng bộ, hiệu quả của Chương trình cũng như việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ sẽ đem lại cho người dân sinh kế cũng như sự bền vững chung củng vùng ĐBSCL.

0111 Bộ trưởng bên hành lang QH
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu bên hành lang Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: Việt Hùng

Vấn đề đất nông - lâm trường: Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị ở Tây Nguyên

Trả lời Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) về vấn đề đất nông - lâm trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biêt, vấn đề đất đai nông lâm trường từ năm 2003 đã rất nóng, chúng ta đã có Nghị quyết của Bộ chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ chỉ đạo vấn đề này. Đến nay kết quả đã rà soát được 745 nông lâm trường, giữ lại 252 công ty, nông lâm trường. Thủ tướng đã phê duyệt 40/41 phương án tổng thể đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn, tổng công ty nông lâm trường. Hiện nay đang chuyển sang cho thuê đất có thu tiền cho trên 689 ngàn ha/2 triệu ha.

Giải pháp trong thời gian sắp tới Thủ tướng dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị ở Tây Nguyên để bàn vấn đề này, bởi vì vấn đề đất đai nông lâm trường; vấn đề chuyển công ty nông lâm trường các bộ chủ quản chưa thực sự triển khai quyết liệt, vẫn còn một số chưa chuyển sang công ty nông lâm trường. Lý do chính hiện nay là tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, nên không thể chuyển được, đặc biệt là liên quan đến đất đai, nhiều công ty nông lâm trường bị thua lỗ nên không chuyển đổi sang cổ phần hóa được. Bên cạnh đó, khi chuyển sang các công ty cổ phần thì vấn đề giải quyết quyền lợi của người dân như thế nào, liên quan đến đông bào dân tộc thế nào (?!)… đây là những vấn đề hết sức phức tạp mà chúng ta cần bàn.

Bên cạnh đó hiện nay ở Tây Nguyên, vấn đề quản lý đất đai nông lâm trường đối với các khu bảo tồn giao cho người dân quản lý chưa có cơ chế phù hợp, nên chắc chắn là đất đai tại các khu bảo tồn, rừng phòng hộ sẽ không bảo vệ được nếu như chúng ta không có chính sách hợp lý để người dân có thể quan tâm để sinh sống và bảo vệ rừng.

0111 Bộ trưởng trao đổi với báo chí
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 1/11. Ảnh: Việt Hùng

Với các cơ sở ô nhiễm môi trường công ích: Nhà nước nên đầu tư xử lý triệt để

Băn khoăn về  các cơ sở ô nhiệm môi trường công ích của Đại biểu Lê Thủy (Bến Tre) cũng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời thỏa đáng.

Theo Bộ trưởng,với các cơ sở ô nhiệm môi trường công ích, Chính phủ đã có Quyết định 1788/QĐ-TTg quy định cụ thể  việc xử lý đối với các cơ sở này (bệnh viện, bãi rác…mà nhà nước đầu tư). Còn hiện nay quan điểm của chúng ta là tất cả cơ sở do tổ chức, cá nhân, mà ô nhiễm sẽ xử lý triệt để.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai Quyết định này còn gặp một số vướng mắc. Mặc dù chúng ta đã xây dựng chương trình mục tiêu, nhưng với kinh phí chỉ bằng 30%, với cơ chế này, các địa phương hoàn toàn không đủ nguồn kinh phí, gần như chi nhiều hơn thu, các địa phương phải đối ứng 50% là không khả thi. Nên trước Quốc hội, tôi đề nghị chúng ta cần phải làm rõ quan điểm là đối với công trình công ích gây ô nhiễm, tồn tại từ nhiều năm nay, muốn xử lý thì Nhà nước phải bỏ kinh phí, có đầu tư về công nghệ. Nếu các địa phương không có đủ “thu bù chi” thì Nhà nước nên đầu tư 100%.
 

Bo truong Bo Tai nguyen va Moi truong Tran Hong Ha (4)
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vất của các vị Đại biểu Quốc hội sáng ngày 1/11/2018 - Ảnh: Quốc Khánh

 

Khai thác cát, sỏi lòng sông sẽ phải thông qua đấu giá

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) có đề cập tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, phá rừng trái phép khiến nhân dân và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, XIV từ năm 2013 đến năm 2018 nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt, do đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có những giải pháp cho vấn đề này.

Đối với chất vấn của đại biểu Bố Thị Xuân Linh về khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, "đây là vấn đề bức xúc trong toàn xã hội."  Theo Bộ trưởng, trên thực tế, cát sỏi để phục vụ cho xây dựng hiện có nhu cầu cao. Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quan trọng như Chỉ thị số 03 ngày 30/3/2015, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm cụ thể trong vấn đề quản lý, bảo vệ khoáng sản, trong đó có vấn đề về cát, sỏi; đã bổ sung các hành vi, tăng mức xử phạt và đồng thời giao lại các cơ quan, Công an các địa phương xem xét.  Bộ luật Hình sự cũng có những quy định để nếu trong trường hợp vi phạm thì có thể xử lý về mặt hình sự. Như vậy, công việc, trách nhiệm của từng ngành, địa phương đã được chỉ rõ. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Sắp tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định có quy định về quản lý cát, sỏi ở lòng sông. Trong đó, Bộ đã đề xuất một số công việc cụ thể sau: quản lý cát sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng sông; thống nhất quản lý, cấp phép thăm dò và khai thác theo lưu vực; quy định trách nhiệm quản lý lòng sông một cách chặt chẽ, với hệ thống 4 khâu từ quy hoạch, quản lý đến thăm dò, khai thác. "Cấp phép thăm dò, khai thác phải thông qua hình thức đấu giá. Đây là nội dung mà Nghị định sắp tới ban hành," Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giải pháp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO