(TN&MT) - Sáng 30/1/2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi thị sát Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, tại phường Chánh Phú Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, do Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư.
Tham gia Đoàn thị sát về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai; ông Đặng Ngọc Điệp, Phó Chánh Văn phòng Bộ. Về phía tỉnh Bình Dương có ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương…
Theo báo cáo của Công ty Cổ Phần Nước – Môi trường Bình Dương cho biết: Tháng 11/2004, Công ty Cấp thoát nước Bình Dương (nay là Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương) khởi công xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương và mở cửa tiếp nhận xử lý rác sinh hoạt của 4 huyện thị phía Nam Bình Dương. Đến nay, sau 13 năm hoạt động, tình hình tiếp nhận rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt trên toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế.
Từ năm 2016-2017, Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương đã nỗ lực thực hiện thêm 02 dự án xử lý rác trong Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.
Dự án 1: Nâng công suất tái chế rác sinh hoạt thành phân compost, công suất tăng từ 420 tấn/ngày lên 840 tấn/ngày. Tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt là 484,6 tỷ đồng. Kết quả thực hiện: Tháng 08/2017, dự án Nâng công suất tái chế rác sinh hoạt thành phân compost, công suất tăng từ 420 tấn/ngày lên 840 tấn/ngày đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ổn định, đến nay vận hành tốt.
Dự án 2: Xây dựng Giai đoạn 2- Khu liên hợp xử lý chất thải (chủ yếu là mua sắm thiết bị) để thu gom khí metan phát điện, lò đốt rác công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày và thiết bị vận hành, tái chế rác sinh hoạt. Tổng giá trị đầu tư là 186,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cũng đã đầu tư giai đoạn 1 dự án xây dựng Nhà máy tái chế rác sinh hoạt thành phân compost với tổng mức đầu tư 181,7 tỷ đồng và đến nay UBND tỉnh Bình Dương đã cấp hỗ trợ đền bù 100ha đất và hạ tầng để thực hiện dự án.
Như vậy, tổng giá trị đầu tư cho xây dựng, công nghệ tái chế, xử lý rác các loại qua các giai đoạn ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đến nay là 559,1 tỷ đồng và 100 ha đất có giá trị khoảng 130 tỷ đồng, tổng cộng tương đương 30,5 triệu USD.
Kết quả đến nay Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã có các dây chuyền tái chế, xử lý rác như sau: Rác sinh hoạt được phân loại, tái chế làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; Lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; Lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; Phát điện dự kiến: 2.000kwA; Xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; Xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày; Tái chế tro, bùn thải ra gạch tự chèn công suất 2.000m2/ngày; Tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày làm gạch xây dựng; Các lò sấy bùn thải công suất công suất 100 tấn/ngày.
Sau khi đi thị sát nhiều hạng mục công trình của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác bảo vệ môi trường và sự quyết liệt của doanh nghiệp trong việc tập trung đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải đồng bộ, hiện đại, hiệu quả của tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường phối hợp với tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng giải quyết tốt 2 vấn đề trọng tâm hiện nay của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, đó là xử lý bùn từ chất thải và xử lý khí phát ra từ các lò đốt chất thải.
Về phân loại rác, đặc biệt là việc phân loại rác tại nguồn ngay từ người dân, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà công việc này cần phải được đầu tư triển khai bài bản, khoa học, đồng bộ, theo quy trình chặt chẽ, với sự hỗ trợ ban đầu cho người dân, để bảo đảm rác được phân loại tại nguồn đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, tái chế, tái sử dụng rác thải của Khu liên hợp xử lý chất thải. “Phải làm sao để mỗi người dân của Bình Dương đều có ý thức tự quản lý, tự phân loại được rác ngay tại nguồn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về công nghệ đốt chất thải, Bộ trưởng Trần Hồng Hà lưu ý nếu sử dụng công nghệ nước ngoài thì có thể yên tâm, còn nếu sử dụng công nghệ trong nước thì cần phải xem xét, cân nhắc kỹ, bởi trong quá trình đốt chất thải có thể có khả năng phát sinh các chất khí thải nguy hại tới môi trường. Đồng thời, tỉnh Bình Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí tự động cho Khu liên hợp xử lý chất thải này.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tỉnh Bình Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần phải nghiên cứu, bổ sung lắp đặt thêm một số trạm quan trắc nước thải tự động cho hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương để kiểm soát chặt chẽ nước thải trước khi xả thải ra môi trường.