Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ đề nghị nâng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến

29/07/2016 00:00

(TN&MT) - Phát biểu trước Quốc hội chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu ra những giải pháp cấp bách và 6 việc cần làm ngay trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn lược ghi và xin trân trọng đăng tải bài phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà để bạn đọc theo dõi.

Bộ trưởng Bộ TN&MT - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà. Ảnh: Việt Hùng
Bộ trưởng Bộ TN&MT - Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Hà. Ảnh: Việt Hùng

Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Quốc hội!

Đây là lần đầu tiên tôi được phát biểu trước Quốc hội với tư cách đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT).

Trước hết, tôi xin cám ơn Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn tôi giữ chức Bộ trưởng Bộ TN&MT vào ngày hôm qua. Đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn và nặng nề mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân đã đặt lên vai tôi.

Hôm nay, trước Quốc hội, với thời gian hạn chế, tôi muốn nói một cách rất súc tích những việc sau đây:

I - Những vấn đề tổng quát

1 - Lĩnh vực mà Bộ TN&MT đang quản lý rất rộng. Đến thời điểm này, chúng ta phải thừa nhận: Chúng ta đã từng bước, kiên trì xác lập, xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý nhà nước về: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, quản lý môi trường, biển và hải đảo, khí tường thủy văn và biến đổi khí hậu… một cách khá đầy đủ. Lỗ hổng pháp luật là có và khó tránh khỏi trong quá trình thực tiễn, vấn đề này sẽ được từng bước điều chỉnh và hoàn thiện.

Việc thực thi hệ thống phát luật này đã có tiến bộ, nhưng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Và vì thế, như chúng ta đã biết, ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên… vẫn diễn ra, có lúc, có nơi nghiêm trọng.

2 - Tình hình chung này cũng đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên Thế giới - dù họ đã đi trước chúng ta. Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta đã và sẽ làm gì để khắc phục những điểm yểu đó và làm tốt hơn cho tương lai…

Tôi xin tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến phản biện của các đại biểu Quốc hội về những bất cập mà chúng ta đã thấy trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

II - Các giải pháp lớn cho giai đoạn tiếp theo

1 - Cần phải xác lập, lấy đó làm kim chỉ nam cho việc phát triển đất nước theo hướng bền vững. Các chủ trương lớn này đã được Ban chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết liên quan, chúng ta cần phải cụ thể hóa để triển khai.

2 - Rà soát, hoàn thiện một cách hệ thống từ chủ trương đến chính sách pháp luật và các điều kiện để tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, minh bạch, công khai vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

3 - Vấn đề thứ ba về các giải pháp cấp bách. Để đáp ứng nhu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như những vấn đề môi trường lớn đặt ra của đất nước, cũng như trong bối cảnh sâu rộng với thế giới, đặc biệt trong năm 2015 -2016 các nhà lãnh đạo thế giới đã xác định là một thời điểm chuyển sang một trang mới, một kỷ nguyên mới để xác định mô hình phát triển mới đó là mô hình về tăng trưởng xanh, kinh tế cacbon thấp để chuyển từ năng lượng đen sang năng lượng nâu, chúng ta cần phải có việc làm cấp bách cụ thể.

Chúng ta cũng thấy rằng Việt Nam khá đồng bộ các chủ trương, chính sách liên quan trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đã xác định các quan điểm trước mắt cũng như lâu dài. Chính phủ trên cơ sở đó cần xác lập các tiêu chí ưu tiên của các dự án đầu tư với việc đề cao tiêu trí môi trường, an toàn môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng sạch, công nghệ các bon thấp.

Phát biểu trước Quốc hội chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu ra những giải pháp cấp bách và 6 việc cần làm ngay trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường
Phát biểu trước Quốc hội chiều 29/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nêu ra những giải pháp cấp bách và 6 việc cần làm ngay trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Ảnh:Quốc Khánh

III - Các giải pháp cấp bách

Để đáp ứng được mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội, tôi xin trình bày tóm tắt các giải pháp cấp bách, những việc làm cụ thể trong 6 tháng cuối năm 2016 như sau:

1 - Như chúng ta đã biết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xác lập quan điểm chỉ đạo chỉ đạo phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Chính phủ trên cơ sở đó sẽ xác lập tiêu chí ưu tiên của các dự án đầu tư, với việc đề cao tiêu chí môi trường (đảm bảo an toàn môi trường, công nghệ các bon thấp…)

2 - Bộ TN&MT sẽ làm ngay, làm khẩn trương những việc sau:

Thứ nhất, Rà soát và đề nghị nâng cao tiêu chuẩn môi trường Việt Nam lên ngang tầm các nước tiên tiến.

Thứ hai, Rà soát các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm nặng trên phạm vi cả nước nhằm phòng ngừa sự cố môi trường có thể xảy ra.

Thứ ba, Tích cực cải cách hành chính, xây dựng bộ máy quản lý các cấp theo hướng: tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, được doanh nghiệp và người dân tin cậy.

Thứ tư, Áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý tài nguyên và môi trường. Trước hết hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên phạm vi toàn quốc theo hướng sử dụng công nghệ quan trắc tự động, kết nối thông qua mạng Internet.

Thứ năm, Hội nhập sâu rộng với thế giới. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đã ký thỏa thuận Paris. Chúng ta đã cùng các lãnh đạo thế giới thông qua chỉ tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ. Chúng ta cần hội nhập sâu rộng để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm cũng như cùng tham gia vào xây dựng các thiết chế liên quan đến các vấn đề quản lý tài nguyên, đặc biệt như vấn đề môi trường, tài nguyên nước xuyên quốc gia. Tại thỏa thuận Paris 2016 Việt Nam chúng ta đã tham gia, Quốc hội trong thời gian tới sẽ xem xét và phê chuẩn, đồng thời chúng ta sẽ tận dụng để chuyển các thách thức thành những cơ hội cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt để xây dựng mô hình kinh tế tăng trưởng xanh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đại diện Chính phủ Việt Nam ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Ngọc Tuấn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đại diện Chính phủ Việt Nam ký Thỏa thuận Paris 2016 . Ảnh:Lê Ngọc Tuấn

Nhiều đại biểu đã nói vấn đề đồng bằng sông Cửu Long và nhiều vấn đề khác liên quan đến biến đổi nguồn nước. Tôi xin được thông báo đến các đại biểu Quốc hội là chúng ta có các chủ trương khá đồng bộ như tôi đã nói ở trên, có nghị quyết của Trung ương, chúng ta đã có chiến lược, có quy hoạch và chúng ta đã có kịch bản về biến đổi khí hậu lần thứ 3 trên cơ sở chúng ta cập nhật diễn biến mới đây nhất của toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ đã thông qua hợp tác quốc tế, đã huy động sự đóng góp của rất nhiều các tổ chức quốc tế và quốc gia, đặc biệt đối với đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta đã huy động Chính phủ Hà Lan, các chuyên gia Hà Lan đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch châu thổ đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu và sinh kế cho người dân. Vừa rồi Chính phủ đã huy động Ngân hàng thế giới trên 120 triệu USD ban đầu cho dự án toàn diện về thích ứng biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long và sinh kế cho người dân tiếp cận theo một hướng mới.

Tôi muốn thông báo vấn đề của đồng bằng sông Cửu Long đã được nhìn nhận trong những giải pháp cấp bách trước mắt cũng như trong những vấn đề có tầm nhìn dài hạn, đặc biệt trong vấn đề xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu trên kinh tế nước mặn, nước ngọt và nước lợ đảm bảo bền vững hơn và điều này nhiều đại biểu nói, tôi xin thông báo như vậy.

Thứ sáu, Về những vấn đề cụ thể liên quan đến Formosa, đến thời điểm này xin báo cáo Quốc hội là chúng ta đã làm được những công việc bước đầu. Nhân đây tôi xin cám ơn các đại biểu Quốc hội và nhân dân trong cả nước đã dành sự chú ý ủng hộ cho việc truy tìm nguyên nhân sự cố, sự chia sẻ này đã giúp chúng tôi làm tốt những công việc ban đầu và đến ngày 28 phía Formosa đã cam kết chuyển chúng ta số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD và đến nay các công việc liên quan đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ những người dân đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có báo cáo trước Quốc hội. Tôi xin báo cáo một số công việc cụ thể mà hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện rất khẩn trương.

Việc thứ nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa, ở đây cụ thể là các sai phạm chúng ta đã nói, 53 sai phạm. Đồng thời, theo đó là một kế hoạch rất toàn diện về khắc phục các vi phạm của Formosa. Từ vấn đề chuyển đổi công nghệ cho đến vấn đề hoàn thiện lại hệ thống xử lý chất thải, nước thải và khí thải, đồng thời chúng ta triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như hồ sinh học, chỉ thị sinh học, có thể chứa lượng nước trước khi thải ra biển khoảng 7 ngày và có hệ thống quan trắc trực tuyến để giám sát tất cả các chỉ tiêu có liên quan mà gây ô nhiễm môi trường biển.

 

Trạm Giám sát môi trường tự động mà Bộ TN&MT mới lắp đặt tại Formosa ngày 26/7
Trạm Giám sát môi trường tự động mà Bộ TN&MT mới lắp đặt tại Formosa ngày 26/7 sẽ đảm bảo giám sát thường xuyên việc xả thải của doanh nghiệp này trong thời gian tới. Ảnh do Tổng cục Môi trường cung cấp. 

Việc thứ hai mà hiện nay chúng ta đang triển khai, đó là ngay từ khi có sự cố thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành đã được chỉ đạo cùng với việc điều tra, đánh giá, xác định nguyên nhân thì đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và vấn đề suy thoái các hệ sinh thái môi trường biển. Cho đến nay các điều tra nghiên cứu ấy đang được tiến hành một cách rất bài bản, hệ thống và khoa học, bước đầu đã có những thông tin đưa ra. Cho đến hôm nay, chúng tôi cho rằng các thông tin về chất lượng môi trường dự kiến khoảng ngày 15/8 sẽ thông qua các hội đồng và sự tham gia của các nhà khoa học để đánh giá về phương pháp đánh giá đó, về mức độ đánh giá hiện nay và về những giải pháp cụ thể để chúng ta có thể khắc phục nếu như còn ô nhiễm. Đồng thời, xác định các giải pháp về phục hồi các hệ sinh thái môi trường.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Chính phủ chỉ đạo xây dựng một dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung, mở rộng ra cho đến Thanh Hóa và vào đến Đà Nẵng. Hệ thống này sẽ giúp chúng ta chủ động để cung cấp thông tin đến người dân, đồng thời giám sát môi trường minh bạch đối với tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong dự án về hỗ trợ người dân sinh kế sẽ có dự án liên quan đến sử dụng kinh phí bồi thường để phục hồi các hệ sinh thái biển. Trên cơ sở có những đánh giá cụ thể và giải pháp, chúng tôi xin báo cáo như vậy.

Đối với sự cố Formosa, ngay sau sự cố, chúng tôi cho rằng và như một đại biểu nói là tạo ra một tiền lệ mới đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, đặc biệt liên quan đến vấn đề quy chuẩn, liên quan đến công tác đánh giá tác động môi trường, các quy trình giám sát ĐTM, cũng như việc thanh tra, kiểm tra. 

Thời gian cũng đã hết. Đương nhiên một số vấn đề các đại biểu góp ý về vấn đề tài nguyên nước, vấn đề đất đai và các vấn đề khác, tôi xin được tiếp thu toàn bộ các ý kiến và rất mong sẽ có điều kiện để trao đổi trực tiếp với các đại biểu về các giải pháp nói trên. 

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ đề nghị nâng tiêu chuẩn môi trường Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO