Tham dự buổi tiếp về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có lãnh đạo các đơn vị: Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Văn phòng Bộ… Về phía Công ty TNHH Dow Chemical còn có: ông Mike Witt, Giám đốc Dow toàn cầu về nghiên cứu sức khỏe và môi trường; ông Sasama Tomoyuki, Tổng giám đốc Dow Việt Nam và ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Đối ngoại Dow tại Việt Nam.
Chào mừng lãnh đạo Công ty TNHH Dow Chemical đến làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự quan tâm của công ty đối với kế hoạch hợp tác giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng tham gia kiểm soát rác thải nhựa trên biển.
Bộ trưởng đã thông báo với lãnh đạo Công ty TNHH Dow Chemical về cam kết của Việt Nam và một số hoạt động cụ thể liên quan đến rác thải nhựa như hiện nay, rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường đại dương thế giới nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng.
Theo Bộ trưởng, rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái mà còn gây hại nghiêm trọng cho các sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt cũng như tác động trực tiếp tới kinh tế và các cộng đồng vùng ven biển do các tai nạn hàng hải, giảm năng suất đánh bắt thủy sản và tổn hại đến du lịch biển…
Bộ trưởng cho biết: Việt Nam sẵn sàng hợp tác với cộng đồng trên thế giới và khu vực để thúc đẩy hình thành các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực để giảm thiểu chất thải nhựa, hướng tới một đại dương xanh và sạch không có chất thải nhựa. Cụ thể, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị mạnh mẽ và hành động trên thực tế về quản lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Cụ thể, theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Và theo Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010 của Việt Nam, các loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen (tên kỹ thuật là túi nhựa xốp) là đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường…
Việt Nam cũng hiện đang sửa đổi danh mục phế liệu được phép nhập khẩu và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phế liệu nhựa được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Về phía Bộ TN&MT, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ đã tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán của một số quốc gia tại Việt Nam trong việc đánh giá, quan trắc lượng chất thải nhựa biển, phát triển, chuyển giao các công nghệ sản xuất các sản phẩm nhựa phân hủy sinh học, các công nghệ tái chế chất thải nhựa hiệu quả. “Bộ TN&MT luôn ủng hộ và khuyến khích các dự án, các ngành công nghiệp tái chế rác thải, bao gồm tái chế rác thải nhựa hợp quy chuẩn môi trường…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Sau phát biểu của Bộ trưởng, Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á của Công ty TNHH Dow Chemical - ông Kenny Ogawa đã thông tin sơ lược về công ty. Theo đó, Công ty Dow là công ty vật liệu khoa học và nhà cung cấp giải pháp lớn nhất của Hoa Kỳ có lịch sử hình thành và phát triển hơn 121 năm.
Dow đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu và phát minh để giải quyết những vấn đề mang tính thách thức nhất của thế giới như nhu cầu về nước sạch, sản xuất và bảo tồn năng lượng sạch, vật liệu xây dựng hiệu quả và thân thiện với môi trường và tăng suất nông nghiệp…
“Ở Việt Nam, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Dow Chemical thường xuyên tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và đặc biệt là hoạt động chung tay làm sạch biển. Dow Chemical rất mong muốn được tham gia vào các hoạt động giải quyết vấn đề rác thải nhựa nhất là rác thải nhựa trên biển” - ông Kenny Ogawa nói.
Hoan nghênh đề xuất của Dow Chemical, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 vừa diễn ra, Việt Nam đã đưa ra đề xuất thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chất thải nhựa, đặt tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị Dow Chemical quan tâm, ủng hộ sáng kiến này và hỗ trợ Việt Nam trong sáng kiến này về các nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, công nghệ và chuyên gia.
Bộ trưởng đề nghị Dow Chemical quan tâm, hợp tác đối với đến 3 vấn đề: Thứ nhất, nâng cao nhận thức người dân về chất thải nhựa và làm sạch biển; Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất có dung sản phẩm nhựa, cần phải có trách nhiệm trọn đời với sản phẩm của mình, cần làm sao để thu gom, tái chế sản phẩm đó; Thứ ba, tham gia hỗ trợ công nghiệp tái chế, sản xuất vật liệu thay thế sản phẩm nhựa hoặc có công nghệ tuần hoàn đối với sản phẩm nhựa để không gây ô nhiễm môi trường nhất là ô nhiễm chất thải nhự trên biển.
“Nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ, không có quyết tâm mà chỉ bằng hành động vớt rác, làm sạch biển như những năm vừa qua thì có thể hàng chục, hàng trăm năm sau, đời này qua đời khác… biển vẫn không thể sạch được vì ô nhiễm rác thải nhựa” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Dow Chemical phát huy vai trò đi đầu trong cộng đồng doanh nghiệp về thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và môi trường, phối hợp với Bộ TN&MT thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đi đôi với các giải pháp về chính sách để thực hiện trách nhiệm doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường, đặc biệt liên quan đến giảm thiểu rác thải nhựa.
Đồng ý và cam kết với những đề xuất của Bộ trưởng, Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á Dow Chemical - ông Kenny Ogawa cho biết đây là vấn đề rất lớn, cần sự tham gia của nhiều bên, nhiều doanh nghiệp để có thể giải quyết vấn đề này không chỉ ở Việt Nam, ở Đông Nam Á và toàn cầu. Đại diện Dow Chemical cũng cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhất là chất thải nhựa trong thời gian tới.
Cũng tại buổi tiếp, các thành viên của Dow Chemical và các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.