Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng ông Virginijus Skinkevicious chia sẻ về những mục tiêu, vấn đề ưu tiên của Việt Nam khi đã có những cam kết mạnh mẽ từ COP26, tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD) trong thời gian sắp tới, cũng như thu hút và sử dụng các nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý hiếm. Mục tiêu được Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới cần đạt được đó là NET zero và bảo tồn, phục hồi được sự đa dạng sinh học.
Hàng loạt các cam kết mà Việt Nam đã và đang tham gia một lần nữa thể hiện rõ trách nhiệm và sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các giá trị tự nhiên.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải có sự thay đổi tư duy quản lý trong công tác bảo tồn để tạo ra những giá trị mới, trong đó, phải luôn song hành vấn đề bảo tồn phải gắn với phát triển và phát triển để bảo tồn. Do đó, Bộ trưởng mong muốn, phía EU ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này.
Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương cũng như các nhiệm vụ việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Để thực hiện nỗ lực này, Việt Nam rất cần được hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và cộng đồng quốc tế.
Trao đổi về nguồn lực từ các quỹ và sử dụng nguồn vốn dành cho CBD hay thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng cho rằng, cần phải xác định là nguồn vốn phải được đầu tư vào nhiệm vụ cụ thể. Việt Nam mong muốn được thực hiện những điều có thể thay đổi được tư duy, cách thức thể hiện, trong đó, công nghệ là “chìa khóa” quyết định cho sự thành công của CBD.
Trao đổi với ông Virginijus Skinkevicious, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để đảo ngược tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, ngoài cam kết của các nhà lãnh đạo, chúng ta cần có các sáng kiến, các giải pháp căn cơ cho những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020 là một trong những giải pháp tổng thể và toàn diện mà chúng ta đang hướng tới.
Thống nhất với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Virginijus Skinkevicious cho rằng COP15 (Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD), còn gọi là COP15) đã tạo cơ hội cho các quốc gia thực hiện các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời, cam kết đảm bảo xây dựng, thông qua và thực hiện có hiệu quả “Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020” nhằm đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học hiện nay.
Ông Virginijus Skinkevicious cho biết, EU sẵn sàng thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam vì những mục tiêu chung mà hai bên cam kết hướng tới.