Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ Việt Nam cảm ơn bà Cyriaque Sendashonga đã đến tham dự GEF-6 và có những đóng góp hết sức quan trọng về các vấn đề chính sách, kỹ thuật cũng như các vấn đề toàn cầu hiện nay đã đưa ra đánh giá trong khuôn khổ hội nghị lần này. Nhân dịp này Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam với IUCN trong thời gian qua.
Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều thành quả hiện nay như các khu bảo tồn, sinh quyển, đất ngập nước đều có sự hỗ trợ của các đồng nghiệp IUCN hỗ trợ Việt Nam. Trong giai đoạn này, đây là thời điểm để chuyển đổi các vấn đề toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng Việt Nam hiện nay cũng cần có sự chuyển đổi để thích ứng với thực trạng hiện tại và đáp ứng được những mục tiêu tiếp theo.
Cảm ơn Bộ trưởng đã tiếp đoàn công tác của IUCN tham dự GEF-6, Bà Cyriaque Sendashonga cũng chúc mừng Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ họp Đại hội đồng GEF-6 lần này. Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về các lĩnh vực hợp tác giữa IUCN và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bà Cyriaque Sendashonga thông báo với Bộ trưởng những dự án mà IUCN đã được phê duyệt và thực hiện; Bà Cyriaque Sendashonga cũng mong đợi có thêm nhiều sự hợp tác, đặc biệt là trong thời gian gần đây IUCN cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Sáng kiến “Chung tay vì vùng biển Đông Nam Á không rác thải nhựa” với những mục tiêu xác định.
Trong thời gian tới Bà Cyriaque Sendashonga cũng cam kết IUCN sẽ cũng cấp, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh tế, chuyên gia thực hiện dự án để hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển. Bà Cyriaque Sendashonga cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với IUCN xây dựng các dự án quy mô lớn về không gian vùng bao gồm tích hợp theo cách tiếp cận tổng hợp về các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà ủng hộ những ý kiến của Bà Cyriaque Sendashonga, Bộ trưởng đề nghị hai bên trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ ở cấp kỹ thuật để xây dựng phương án tối ưu Việt Nam tham gia Sáng kiến.
Với việc IUCN muốn trở thành cơ quan thực hiện dự án GEF, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là đầu mối quốc gia cam kết ủng hộ mạnh mẽ các cơ quan thực hiện dự án của GEF nói chung và IUCN nói riêng phối hợp với các cơ quan quốc gia xây dựng, đề xuất các hoạt động thuộc lĩnh vực ưu tiên của GEF, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia;
Các lĩnh vực IUCN đề xuất, bao gồm các lĩnh vực đa dạng sinh học biển, các hoạt động chống đánh bắt cá bất hợp pháp, tăng cường năng lực bảo vệ các khu bảo tồn là thế mạnh truyền thống của IUCN. Bộ TNMT hoàn toàn ủng hộ và trông đợi các đề xuất cụ thể của IUCN trong các lĩnh vực này với mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp thiết của quốc gia.
Trong vấn đề đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang chịu tác động nghiêm trọng từ việc các nước vùng thượng nguồn sông Mê Công đồng loạt xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng các nhà máy thủy điện. Bộ trưởng cho biết, với tình hình thực tế này, Chính phủ Việt Nam với sự tham gia của Chính phủ Lào và Campuchia đã tiến hành Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công nhằm nghiên cứu tác động tổng hợp của các nhà máy thủy điện tới các hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ Mê Công của Việt Nam và Campuchia. Ủy hội sông Mê Công (MRC) cũng đã có những Nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng với những vấn đề này Việt Nam đang rất cần những chuyên gia an hiểu và đưa ra những đánh giá chính xác nhất để Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu nhất. Bộ trưởng cũng đồng tình với quan điểm của Bà Cyriaque Sendashonga rằng trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn sẽ có những mối quan tâm và nguồn lực khác nhau để hợp tác, trong mọi vấn đề hiện nay của Bộ Tài nguyên và Môi trường, IUCN đang là đối tác rất quan trọng trong việc hỗ trợ Bộ thực hiện các công tác thiết kế, hoạch định quy hoạch và đào tạo các chuyên gia, kỹ thuật cao, hai bên sẽ cần thực hiện ngay nhưng công việc quan trọng hiện tại và đây là tiền đề cho công tác hợp tác lâu dài giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với IUCN.