Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên Thảo luận Tổ chiều 01/6. Ảnh: Việt Hùng |
Mở đầu phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ông hết sức đồng tình với các ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội về câu chuyện tại sao chúng ta lại có đề xuất tách ra thành một tiểu dự án trong khi Quốc hội khóa XIII cũng đã giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án này.
Bộ trưởng cho biết, về mặt chủ trương, Quốc hội cũng đã cho và Quốc hội cũng đã cho ý kiến chung đối với dự án Sân bay Long Thành.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong quá trình giải quyết bài toán đầu tư giữa sân bay Tân Sơn Nhất với sân bay Long Thành, Chính phủ cũng đã xem xét kể cả việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào. Và cũng đã có rất nhiều đánh giá và nghiên cứu xung quanh câu chuyện từ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đến tính khả thi của sân bay Long Thành...
Một điểm thứ hai - theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà là tại sao Chính phủ lại đề xuất xin tách ra thành một tiểu dự án là đền bù tái định cư? “Báo cáo các vị đại biểu - trên thực tế, theo Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng thì việc tách này khi nó là hai nội dung có mối quan hệ hết sức là gắn bó trong nghiên cứu khả thi” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng thông tin: Tại thời điểm này, việc xây dựng dự án khả thi đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đang được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông vận tải huy động vốn và đang thực hiện.
“Như vậy thì việc mà các đồng chí đặt ra là tính khả thi của việc đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng… đang đặt nhiệm vụ cần phải xây dựng ở dự án khả thi. Quốc hội cũng đã có ý kiến chỉ đạo rất rõ vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết thêm.
Quang cảnh phiên Thảo luận Tổ chiều 01/6 tại Tổ 5 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Hưng Yên và Ninh Thuận . Ảnh: Việt Hùng |
Cần sớm ổn định đời sống người dân
Đề cập đến việc giải phóng mặt bằng và tái định cư một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Như một vị Đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 01/6, đối với những dự án, nếu chúng ta thấy cấp bách và cần thiết thì việc giải phóng mặt bằng, đền bù và tài định cư cũng như giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan là hết sức quan trọng.
“Bởi trên thực tế nếu chúng ta không làm tốt việc này thì nó có những hệ lụy ảnh hưởng đến quá trình khi đầu tư vào hạ tầng và các công trình phụ trợ - Tôi tin các đồng chí chắc cũng thấy và ủng hộ điều này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc trên thực tế thì quy hoạch sân bay Long Thành các đồng chí biết là đã có quy hoạch từ nhiều năm. Và cho đến nay, Chính quyền và người dân Đồng Nai đã chấp hành rất nghiêm việc này cho nên việc chưa triển khai dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.
“Người dân rất mong muốn nếu Quốc hội, Chính phủ đã quyết định đầu tư sân bay Long Thành thì phải sớm triển khai việc tái định cư để đảm bảo sớm ổn định đời sống cho nhân dân ở đây. Tôi cho rằng đây là một công việc ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt xã hội và chính trị” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, nếu chúng ta làm tốt việc quy hoạch xây dựng hạ tầng, làm tốt việc xây dựng các sân bay và hạ tầng xung quanh thì trên thực tế người ta gọi là hệ sinh thái kinh tế sân bay. “Có nghĩa là không chỉ có sân bay mà cũng với sân bay nó sẽ kéo theo sự phát triển rất mạnh của dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, thương mại, đô thị…” - Bộ trưởng nói.
Thiết kế hoa sen được lựa chọn làm kiến trúc sân bay Long Thành |
Cần tính toán kỹ càng kế hoạch sử dụng đất
Về sử dụng đất sau đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng nếu Quốc hội xem xét đền bù giải phóng một lần thì cần phải tính toán rất kỹ quy hoạch chi tiết và tính toán đến việc sử dụng đất ở đây hết sức chi tiết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu vấn đề: Nếu giả sử nếu đền bù tái định cư dự án Sân bay Long Thành một lần, vậy sau khi di dân rồi thì đất mà quy hoạch đến năm 2035 thì chúng ta mới làm đến giai đoạn 3 của dự án này thì từ khi giải phóng mặt bằng xong đến đó (năm 2035) chúng ta sẽ sử dụng đất đó như thế nào cho hiệu quả thì cần phải đưa vào những lận cứ, luận chứng trong dự án này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải nhìn thấy được những con số, những tính toán và những cân nhắc phân tích… của dự án và lưu ý đến việc sau đó sử dụng đất đai có bị lãng phí hay không.
Một bài toán quan trọng hơn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng đó là việc với lượng di dân tái định cư lớn như thế này thì vấn đề đào tạo công ăn việc làm và tính toán để người dân ổn định về nghề nghiệp và sinh kế là một việc hết sức quan trọng.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cho rằng, nếu Quốc hội đồng ý về chủ trương đền bù GPMB, di dân, tái định cư này thì dự án cần phải thể hiện rất rõ được về mặt kinh tế, xã hội đặc biệt là quan tâm đến tính hiệu quả của việc xây dựng sân bay Long Thành.
“Như tôi đã nói là làm sao để tạo ra một hệ sinh thái kinh tế sân bay mà từ đây tạo ra sự lan tỏa và tạo ra động lực phát triển chung” - Bộ trưởng nhắc lại.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đồng ý với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội rằng nếu chúng ta làm tốt khâu quy hoạch, nếu chúng ta làm tốt khâu xây dựng hạ tầng thì trên thực tế khu thương mại, dịch vụ và khu đô thị là chúng ta có chính sách tốt là chúng ta hoàn toàn sử dụng cơ chế PPP (hình thức đối tác công - tư).
“Sử dụng cơ sở hạ tầng này và đấy chính là nơi rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đến đầu tư ở đây. Họ biết rằng sắp tới ở đây sẽ có khu công nghiệp công nghệ cao hay ở đây là các khu đô thị hoặc khu thương mại nó sẽ là phát triển trong tương lai. Tôi nghĩ là như vậy. Và kèm theo đó là các cơ chế chính sách rất cụ thể trong vấn đề khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất ở đây” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Việt Hùng(lược ghi)