Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Ngọc Điệp, Chánh văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: “Trong quý I/2019, các đơn vị của Bộ TN&MT đều tích cực tập trung triển khai các nhiệm vụ ngay từ ngày đầu năm, vì vậy tình hình giải quyết các nhiệm vụ đã có những chuyển biến tích cực”.
Tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao
Cụ thể, trong quý I năm 2019, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ 05 đề án, trong đó có 02 đề án trình trước tiến độ (Đề án tổ chức Hội nghị đồng bằng sông Cửu Long và Đề án tổ chức Hội nghị phân ban hợp tác Việt Nam - Hà Lan); bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng thông báo tình hình thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tình hình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Bộ giao và kết quả giải quyết các thủ tục hành chính của Bộ. Theo báo cáo, các đơn vị trực thuộc Bộ đã nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình.
Cũng theo ông Đặng Ngọc Điệp, để có được kết quả đó, ngoài việc tích cực, chủ động với công việc của các đơn vị thì hằng tuần Thường trực Tổ công tác của Bộ trưởng Bộ TN&MT đều rà soát và có văn bản đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tại hội nghị, các đơn vị đã báo cáo những công việc mà đơn vị đã và đang triển khai, đồng thời khuyến nghị những vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đã trình bày về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2019; kết quả rà soát, giải quyết kiến nghị vướng mắc của địa phương về pháp luật tài nguyên và môi trường; công tác chuẩn bị cho Bộ trưởng tham dự Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính đã trình bày về công tác kế hoạch - tài chính quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2019; trong đó nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về quản lý kế hoạch - tài chính; công tác tài chính – kế toán; công tác quyết toán, kiểm toán; công tác quản lý dự án đầu tư; công tác quản lý tài sản…
Ông Lê Phú Hà – Cục trưởng cục CNTT và Dữ liệu TN&MT cho biết, hiện nay Cục đã thực hiện công tác xây dựng văn bản quản lý nhà nước, văn bản quản lý pháp luật, xây dựng văn bản chỉ đạo quốc gia về chính phủ điện tử và ứng dụng chính phủ điện tử. Công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã diễn ra đúng kế hoạch, liên thông và đồng nhất với các hệ thống của các đơn vị trong Bộ; Cục CNTT và Dữ liệu TN&MT cũng đôn đốc Sở TN&MT các địa phương thực hiện các nhiệm vụ triển khai cổng thông tin chính phủ, trao đổi văn bản liên thông trên trục văn bản quốc gia. Hiện nay, 42 Sở TN&MT trên cả nước đã tích cực triển khai nhiệm vụ này.
Chủ động thay đổi, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu “bứt phá”
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua công tác chỉ đạo điều hành cũng như các chỉ số đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ của Bộ TN&MT cho thấy những chuyển biến, có những bứt phá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 cho thấy đánh giá của người dân về 02 lĩnh vực thuộc ngành TN&MT là đất đai và môi trường đều có chuyển biến. Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường tỷ lệ người dân quan ngại về vấn đề môi trường đã giảm từ 12% năm 2017 xuống khoảng 7% năm 2018; môi trường là vấn đề mà người dân lo lắng thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018. Tỷ lệ người dân phản ánh sự quan tâm đến quản trị, bảo vệ môi trường tăng từ 69% lên đến 74% năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm trình đề án, nhiệm vụ, chậm trả kết quả thủ tục hành chính; một số đơn vị chưa chủ động trong phối hợp với các địa phương trong giải quyết tháo gỡ các vướng mắc có thể dẫn đến ách tắc ở địa phương làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đối với những tồn tại này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần đưa ra quy chế, gắn trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân và đề nghị các đơn vị phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm khắc và khẩn trương hoàn thiện, khắc phục.
Với các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2019 và phát triển toàn diện ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị cần chủ động thay đổi toàn diện, tích cực để hoàn thành các mục tiêu “bứt phá” theo tinh thần của Chính phủ trong tất cả các lĩnh vực mà Bộ quản lý.
“Với tinh thần đó, tôi đề nghị các đơn vị tập trung, quyết liệt triển khai các nội dung trọng tâm đột phá là kiến tạo, đổi mới đột phá về thể chế, thúc đẩy cải cách hành chính; quyết liệt, quyết tâm, sáng tạo trong tổ chức thực thi theo phương châm hướng về địa phương cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học và công nghệ trong công tác quản lý. Đặc biệt cần thêm sức đẩy từ sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả của mỗi thủ trưởng đơn vị, từng cán bộ công chức hoàn thành mục tiêu “bứt phá” trong năm 2019”. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị như Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Cục Biến đổi khí hậu, Cục CNTT và Dữ liệu TN&MT, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính… tập trung vào từng nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành, địa phương để tiến hành tốt các công tác trọng tâm mà Bộ được giao về đề án triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành tài nguyên và môi trường phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa từ học đường tới từng người dân trên mọi miền đất nước; triển khai cung cấp các dịch vụ định vị của Việt Nam như đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2018…
Bước vào Quý II/2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị các Thứ trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT bám sát Chương trình công tác, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chương trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, Kế hoạch thanh tra tập trung chỉ đạo để đảm bảo tiến độ trình các Đề án, văn bản, nhiệm vụ. Chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn ở địa phương cơ sở, tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xử lý kịp thời các điểm nóng./.