Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội

06/06/2018 09:06

(TN&MT) - Sáng 6/6, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Phiên chất vấn được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. 

0606 BT PX Nhạ
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/6. Ảnh: Quốc Khánh

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Tại phiên chất vấn, dự kiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.

Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, có thể Quốc hội sẽ mời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Bước vào phiên chất vấn, các đại biểu: Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình); Hồ Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình), Đào Tú Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục chất lượng cao; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...

0606 ĐB Nguyễn Thị Thu Dung
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chất vấn Bộ trưởng. Ảnh: Quốc Khánh

Trả lời câu hỏi về vấn đề phân luồng trong giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đây không phải là vấn đề mới, Trung ương đã chỉ đạo nhiều, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi là do chương trình giáo dục; hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải quán triệt tinh thần là lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Vân về việc: Chúng ta phải đi hết bao lâu trên con đường quá độ? Đã tới đoạn nào của quá độ?, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đổi mới lĩnh vực này không thể nóng vội, đây vấn đề nhạy cảm phải có lộ trình, bước đi cụ thể. Ví dụ vấn đề thi cử. Bộ đã cải cách hai kỳ thi mỗi năm thành một kỳ. Năm 2017 việc thi cử tương đối ổn định, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chúng ta phải đổi mới, về căn bản giáo dục không thể đứng yên. Về việc chúng ta đang đi đến đoạn nào của quá độ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho biết chúng ta đang ở đoạn thực hiện nhiều nhiệm vụ có kết quả, điển hình là phổ cập mầm non với trẻ 5 tuổi và việc này được nhiều nước ghi nhận. Trẻ 5 tuổi vào mầm non ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao chỉ sau Singapore. Kết quả đổi mới trung học, phổ thông cũng được nhiều tổ chức quốc tế uy tín như Worldbank đánh giá cao. “Để kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng chúng tôi có cơ sở tin rằng trong nhiệm kỳ sẽ có kết quả không chỉ chuyển biến mà là rõ nét” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

0606 ĐB Nguyễn Văn Thân
Đại biểu Nguyễn Văn Thân chất vấn Bộ trưởng. Ảnh: Quốc Khánh

Về giáo dục chất lượng cao, theo Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; theo đó ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập chất lượng cao ngay trong nước, không phải đi du học; tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này...

Về giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, Bộ trưởng cho biết vấn đề cốt lõi là phải nâng cao chất lượng đào tạo, do đó Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo, công bố công khai kết quả kiểm định để người học có thông tin lựa chọn cơ sở đào tạo ngay từ đầu vào và các trường phải nâng cao chất lượng và chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra.

Về nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương, cơ quan liên quan hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Cách đây 5, 7 năm công tác này rất hiệu quả. Nhưng gần đây hoạt động này có vấn đề, vì nhiều người đi học về không bố trí được việc làm. Bộ đã tiến hành khảo sát tại các vùng khó khăn, vùng 30a,... qua đó có chính sách gắn trách nhiệm của địa phương đối với các đối tượng cử tuyển.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình trạng giáo dục mầm non là vấn đề gây bức xúc thời gian qua, hiện chúng ta có hơn 15000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ… Bộ trưởng cho biết, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ tư thục... Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, đóng cửa các cơ sở không đảm bảo điều kiện hoạt động.

“Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề...” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Trước đó, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, về tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường...

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục...

Phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang diễn ra. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO