Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Ảnh: Quốc Khánh |
Bước vào phần chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận được câu hỏi chất vấn của các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Châu Chắc (An Giang); Phạm Văn Tuân (Thái Bình); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)...
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng về các vấn đề: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới;
Nhiều vị đại biểu cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng về các giải pháp nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt hải sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở; giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá; mất cả mùa mất cả giá; thậm chí mất giá kéo dài (VD, cây cà phê Tây Nguyên)...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu câu hỏi: Hiện đánh bắt khai thác nguồn lợi thủy sản chủ yếu do người dân chủ động, vậy giải pháp hỗ trợ người dân đánh bắt với kỹ thuật cao hơn là gì? Thứ 2, biến đổi khí hậu của Việt Nam nhiều thay đổi, nguy cơ sạt lở đê điều, vậy Bộ NN&PTNT có giải pháp gì?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về việc đánh bắt cá hiện nay nặng về cổ truyền, truyền thống và phương tiện. Hiện nay tổng phương tiện chúng ta có khoảng 96.000 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có hơn 12.000 tàu công suất lớn.
Tất cả tàu có công suất lớn các địa phương đều tự bỏ tiền ra đóng. Ngoài ra, chúng ta đã được trang bị các loại máy dò cá. Tuy nhiên, phương tiện dưới 15 m vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng nên hiệu quả chưa cao. Do đó, chúng ta cần có lộ trình trình để tường bước nâng cao hiệu quả đội tàu khai thác cá.
Liên quan đến nguy cơ biến đổi khí hậu có thể xóa sổ mọi nỗ lực xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của hiện tượng này. 3 năm gần đây, thiệt hại với khu vực miền núi do sạt lở, lũ ống, lũ quét đang gây ra những thiệt hại nặng nề. Do đó, đang cố gắng chuẩn bị các phương án ứng phó, dự báo tốt hơn. Tới đây, chúng ta phải coi việc đầu tư bền vững cho ứng phó khí hậu là nhóm được ưu tiên nhất.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) về vấn đề Luật HTX năm 2012 được kỳ vọng là bà đỡ cho phát triển nông nghiệp, nhưng nhiều doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn… giải pháp của Bộ trưởng như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay chỉ có hơn 30% số HTX hoạt động tốt, còn lại là chưa tốt.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT khẳng định HTX là một dạng hình kinh tế phù hợp với Việt Nam, vì những đối tượng làm nông nghiệp rất cần loại hình kinh tế này. Sau hơn 5 năm triển khai luật HTX mới, chúng ta đã có gần 15.000 HTX, trong đó hơn 50% trong đó là HTX thành lập mới.
“Điều đáng mừng là chúng ta đã có những lãnh đạo HTX có trình độ tiến sĩ, thạc sỹ, đó là hạt nhân để phát triển hiệu quả. Thời gian tới, cần hỗ trợ các HTX để chuyển đổi mô hình hoạt động từ cũ sang mới, điển hình như Sơn La, chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 600 HTX được thành lập mới, qua đó hỗ trợ rất đắc lực cho nông dân” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sáng 6/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Trước khi trả lời trực tiếp câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo với Quốc hội về những nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đối với nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản... Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đến tháng 10/ 2019, cả nước đã có 4.665 xã đạt 52,4% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nôn thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020).
Kết quả trong 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2,4 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 320.000 tỷ đồng, chiếm 13,2%; vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất: 57,6% tương đương 1,4 triệu tỷ đồng…
Về vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cho chương trình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ tổng số nợ xây dựng cơ bản trong các năm 2106 - 2017 trên 15.000 tỷ; đến nay đã được giải quyết dứt điểm. Theo Bộ trưởng, kết quả này là sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương trong đảm bảo chất lượng Chương trình, tránh việc chạy đua theo thành tích về số xã nông thôn mới.
Về vấn đề tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mở cửa phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ trưởng khẳng định đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường có tiềm năm. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Đối với nới nhóm vấn đề “công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập đến dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi… khiến ngành nông nghiệp ảnh hưởng và toàn ngành đã ngăn chặn, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do dịch bệnh.
Đối với bệnh dịch nghiêm trọng nhất là tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin: Đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 là tháng cao điểm. Ngành chăn nuôi đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh và bảo đảm cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương.
Về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo giải pháp triển khai thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EC; tiếp tục điều chỉnh các chính sách, quy định vè khai thác kiểm soát tàu cá…để hài hòa với các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, tư lệnh ngành NN&PTNT cũng đề cập đến chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép để tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo chương trình này, 1.030 tàu đã được đóng mới đi vào hoạt động (863 tàu khai thác hải sản, 167 tàu dịch vụ hậu cần) với số vốn vay trên 11.500 tỷ đồng nhưng số nợ quá hạn, nợ xấu cũng tập trung chủ yếu ở nhóm tàu này…