Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội

04/06/2018 09:50

(TN&MT) - Đăng đàn trả lời đầu tiên phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; Giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)...

Theo chương trình, trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có)

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, Quốc hội đổi mới theo phương pháp “Hỏi nhanh đáp gọp”. Cụ thể là mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, mỗi câu hỏi tối đa 1 phút và Bộ trưởng có tối đa 3 phút trả lời cho một câu hỏi. Nếu có vấn đề cần nói thêm cho rõ, người điều hành phiên chất vấn có thể để tranh luận để các Bộ trưởng trả lời thêm.

0406 Bộ trưởng NV Thể
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 4/6. Ảnh: baogiaothong.vn

Trước khi trả lời trực tiếp các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể báo cáo trước Quốc hội về những vấn đề chung của ngành được dư luận quan tâm. Theo Bộ trưởng, Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, quan hệ chặt chẽ với đời sống kinh tế xã hội và được người dân rất quan tâm. “Giao thông vận tải thực hiện chức năng đi trước mở đường để tạ điều kiện cho kinh tế phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Luôn nhận được rất nhiều ý kiến cử tri, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT đã lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và kịp thời trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và của cử tri cả nước. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng, thời gian qua, Bộ GTVT luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện các chủ trương về phát triển GTVT, cố gắng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách và nguồn vốn có hạn nên hạ tầng giao thông, công tác tổ chức GTVT và đảm bảo ATGT thời gian qua nhiều bất cập, hạn chế, GTVT phát triển không  đồng đều giữa các vùng miền, vùng sâu vùng xa còn rất nhiều khó khăn so với các khu vực khác.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, GTVT là nhu cầu của các địa phương và yêu cầu của xã hội nhưng nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên chỉ đảm bảo một phần yêu cầu của xã hội. Một số lĩnh vực ngành GTVT như đường sắt trong một giai đoạn rất dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức nên hệ thống đường sắt đang rất yếu kém. Một số lĩnh vực GTVT rất quan trọng như đường thuỷ nội địa, GTVT ven bờ đáng lẽ phải được phát triển tốt nhưng do quan tâm chưa đúng mức nên vai trò của các loại hình này hạn chế.

Bên cạnh đó, tình hình TNGT diễn biến phức tạp. Vừa qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt, trong nhiều năm qua số vụ, số người chết và người bị thương do TNGT giảm theo từng năm nhưng còn ở mức cao. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Năm 2017 số người chết vì TNGT hơn 8000 người, là con số lớn. Chúng tôi ý thức trách nhiệm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là của ngành GTVT cần có giải pháp đột phá để giảm thiểu TNGT.  

Để phát triển hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngoài nguồn vốn Nhà nước và vốn vay, từ năm 2009 đến nay ta đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư theo hình thức BOT, là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu hiện nay vì ngân sách hạn chế, nợ công ở mức cao. Việc thực hiện triển khai quyết liệt nhưng qua thời gian, ngoài tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thì việc quản lý, đấu thầu, khai thác các dự án BOT còn bất cập và được xã hội quan tâm…

Bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ngay đầu giờ sáng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có 36 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Mở đầu phiên chất vấn các đại biểu: Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ bất cập về số năm, vị trí đặt trạm thu phí BOT; trách nhiệm, giải pháp xử lý vấn đề chênh lệch cốt đường với nền nhà dân sau cải tạo; tiến độ thực hiện thu phí không dừng tại các trạm BOT; giải pháp phát triển giao thông vùng Tây Bắc...

Trả lời câu hỏi của các Vị đại biểu Quốc hội về chênh lệch chi phí đầu tư và số năm thu phí giữa hợp đồng và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc chênh lệch là do hợp đồng được ký ban đầu dựa trên tính toán về kinh phí đầu tư và kinh phí dự phòng; trước khi quyết toán Bộ GTVT đề nghị kiểm toán vào kiểm tra lại, dựa trên kết quả đó để điều chỉnh lại hợp đồng để đảm bảo quyền lợi chung của người dân, nhà nước và doanh nghiệp.

Về tiến độ thu phí không dừng, toàn bộ các trạm BOT sẽ phải hoàn thành thu phí tự động vào cuối năm 2019. Đây là giải pháp công khai minh bạch, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Về phát triển giao thông Tây Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT rất hiểu tình hình khó khăn của vùng này, Bộ trưởng cũng đã đi thực tế và tham mưu cho Chính phủ thực hiện các dự án, tuy nhiên do điều kiện ngân sách hạn chế, nên nhiều công trình, dự án chưa có điều kiện bố trí vốn. Bộ sẽ tiếp tục khảo sát thực tế để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đối với vấn đề Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định hư hỏng nặng, chưa nâng cấp, Bộ trưởng cho biết việc đường xuống cấp là do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, xe quá tải... Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thời gian tới tiếp tục rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm của cán bộ, công chức trong ngành nếu phát hiện các sai phạm liên quan đến BOT....

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dự kiến sẽ kéo dài đến khoảng 15h15 chiều nay 4/6. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO