Bộ trưởng Lê Thành Long: Không có tình trạng xin lùi, xin rút dự án khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
(TN&MT) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, những năm gần đây, việc lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Chính phủ xem xét rất kỹ lưỡng, hầu như không có tình trạng xin lùi, xin rút dự án khỏi chương trình mà chủ yếu là Chính phủ đề nghị bổ sung chương trình.
Giải trình các vấn đề được Đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, diễn ra vào sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã hết sức cố gắng giải quyết những vấn đề mà các bộ, các ngành chưa thống nhất với nhau. Đặc biệt trong năm 2023, ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề chỉ tập trung vào công tác xây dựng pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng.
Thừa nhận việc đề xuất bổ sung Chương trình năm 2023 khá nhiều dự án Luật, song Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; xử lý vấn đề về kinh phí chi thường xuyên, bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng vì Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã sắp hết hạn thi hành; Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất...
Bộ trưởng đề nghị đối với các bộ, các ngành trong phạm vi của mình tiếp tục chủ động mới có được thời gian, tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giám sát công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Tổng Thư ký Quốc hội và Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiều đề xuất cụ thể, xác đáng của đại biểu về điều chỉnh chương trình, tăng tính dự báo trong công tác xây dựng pháp luật cũng như các giải pháp tăng cường kỷ luật kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm, đảm bảo thực hiện tốt nhất chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ nói chung và Chương trình hàng năm nói riêng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 7 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị đánh giá tình hình triển khai các luật, Nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2023, triển khai các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp này… "Đây là lần đầu tiên Hội nghị được tổ chức với quy mô toàn quốc, kết nối với các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác triển khai thực hiện pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục đổi mới quy trình và phương pháp xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11 ngày 28/11/2022, giao cho Đảng Đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Cán sự đảng Chính phủ hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và hoàn thành trong năm 2024.
Hiện nay Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1392 giao cho các cơ quan triển khai thực hiện và việc này sẽ hoàn thành trong năm 2024…