Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Từng bước tiến hành tái cơ cấu nợ công

01/11/2016 00:00

(TN&MT) - Phát biểu sau phiên thảo luận, về Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020 sáng 01/11, Bộ...

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, ngày 1/11, Quốc hội đã dành buổi sáng để thảo luận về Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020. Phát biểu sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh các kế hoạch và sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc triển khai Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 5 năm 2016- 2020; xây dựng mục tiêu, định hướng sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng Phát biểu sau phiên thảo luận, về Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020 sáng 01/11. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu sau phiên thảo luận, về Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016- 2020 sáng 01/11. Ảnh: quochoi.vn

“Đây là vấn đề khó, lần đầu thực hiện trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và khó lường, giá dầu thô giảm sâu, tình hình nước ta hội nhập kinh tế sâu rộng và đang tiến hành tái cơ cấu lại nền kinh tế. Vấn đề tài chính- ngân sách phản ánh thực trạng, sức khỏe của nền kinh tế, mặt khác, chính sách tài chính cũng góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và góp phần vào thúc đẩy công bằng xã hội” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Ghi nhận ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh hai kế hoạch này và sẽ tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Đối với Kế hoạch tài chính- ngân sách 3 năm 2018- 2020 sẽ được xây dựng sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch tài chính- ngân sách 5 năm trong thời gian tới.

Nợ công của nước ta trong thời gian từ 2001- 2015 tăng nhanh, tại thời điểm năm 2001 là 36,5%, năm 2005 là 40,8%, năm 2010 là 50%, năm 2015 là 62,2% GDP. Về quy mô, nợ công năm 2015 khoảng 2,608 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2015 và gấp 14,8 lần năm 2001.

Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011-2015 bằng 18,4% một năm, cao gấp ba lần tăng trưởng kinh tế giai đoạn hiện nay là 5,91%. Cùng với đó, việc đáo nợ trong năm 2013 là 47 nghìn tỷ, năm 2014 là 106 nghìn tỷ, năm 2015 là 125 nghìn tỷ và năm 2016 là 95 nghìn tỷ.

(Trích báo cáo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng)

Về một số giải pháp, cho vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thứ nhất, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách; tổng kết đánh giá lại Luật Quản lý nợ công để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới; rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế theo Đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công và trình Bộ Chính trị ban hành theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Thứ hai, từng bước tiến hành tái cơ cấu nợ công; đẩy mạnh phần nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài. Hiện nay, nợ trong nước đã lên 57% và nợ nước ngoài là 43%. Tái cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của nợ công.

Về thời hạn huy động hàng năm, nếu như năm 2011 là 3,91/năm của trái phiếu Chính phủ, năm 2012 là 2,92/năm, năm 2013 là 3,21/năm thì đến giai đoạn năm 2015 đã huy động trong năm đã được 6,98/năm về trái phiếu Chính phủ. 10 tháng năm 2016 đã tăng 8,63/năm của trái phiếu Chính phủ.

Danh mục kỳ hạn trái phiếu Chính phủ trong nước, nếu năm 2011 là 3,18/năm, năm 2012 là 2,63/năm, năm 2013 là 2,38/năm thì đến năm 2015 đã đạt được 4,44/năm và đến hết tháng 10 năm 2016 đã được 5,63/năm, gấp đôi của giai đoạn trước. Điều quan trọng hơn nữa là lãi suất huy động, nếu như năm 2011 huy động trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất là 12,01%/năm, năm 2012 là 9,8%/năm, năm 2013 là 7,79%/năm thì năm 2015 xuống còn 6,28%/năm và năm 2016 là 6,4%/năm.

“Như vậy, kỳ hạn đã dài ra gần như gấp đôi, lãi suất đã giảm đi gần một nửa. Lãi suất của danh mục trái phiếu năm 2011 là 10,39%, (số nợ cuối năm), năm 2012 là 10,34%, năm 2013 là 9,34% thì đến thời điểm này có 6,83%. Điều này cũng đã tốt so với tình hình tài chính, thị trường tài chính trong nước còn đang còn rất khó khăn…” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.

Việt Hùng  - Hải Ngọc (lược ghi)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Từng bước tiến hành tái cơ cấu nợ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO