Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung của cả nước

20/11/2017 00:00

(TN&MT) - Sáng 20/11 Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu làm rõ các vấn đề các vị Đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: TP.HCM sẽ phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã báo cáo thêm với Quốc hội một số nội dung như: Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành nghị quyết thì đa số các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành nghị quyết. Chúng tôi muốn báo cáo thêm về sự cần thiết dưới góc độ yêu cầu thực tiễn phát triển của cả nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu sáng 20/11. Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu sáng 20/11. Ảnh: Quốc Khánh

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất và mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước. Về GDP của thành phố chiếm 1/5 GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cao gấp 1,6 lần so với tốc độ của cả nước. Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của thành phố chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ, như vậy thành phố phát triển nhanh hơn, sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và phát triển chung của cả nước…

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đóng góp gần 30% vào tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm và quan trọng hơn thành phố là địa bàn đóng góp lớn nhất vào thu của ngân sách Trung ương và mức đóng góp ngày càng tăng đã thể hiện rõ tinh thần thành phố vì cả nước.

Cụ thể giai đoạn 2004 - 2006, tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia của thành phố 71%, đến giai đoạn 2007 - 2010 tăng lên 74%, giai đoạn 2011 - 2016 tăng lên 77% và giai đoạn 2017 - 2020 hiện nay 82%. Như vậy, đúng như đại biểu các đồng chí nói là thành phố thu 100 đồng thì thành phố giữ lại 18 đồng và điều tiết về Trung ương 82 đồng.

Ngoài ra, thành phố cũng đóng góp trên 1/3 số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô của cả nước và toàn bộ số thu này là cân đối của ngân sách trung ương 100%.

Thứ hai, về nội dung các cơ chế chính sách thí điểm cho thành phố. Nội dung các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Theo quy định hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này của cơ quan cấp trên, nay phân quyền cho thành phố thực hiện.

Thứ ba, về tác động của nghị quyết. Khi xây dựng dự thảo nghị quyết chúng tôi đã bàn và thống nhất với thành phố để cơ chế chính sách được đề xuất cơ bản không làm thay đổi các cán cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công trong kế hoạch tài chính ngân sách 5 năm quốc gia cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 được Quốc hội thông qua, không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương.

Vì vậy, từ nay đến năm 2020 thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về trung ương với tỷ lệ hiện hành. Ngân sách trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm kinh phí cho thành phố và thực tế chúng ta muốn cũng rất khó khăn và chúng tôi cho rằng không thực hiện được vì khó cân đối ngân sách trung ương…

Theo giá trị phần vốn nhà nước tại 39 doanh nghiệp thành phố quản lý trong danh sách phải cổ phần hóa của giai đoạn 2017-2020 thì giá trị sổ sách khoảng 42 ngàn tỷ đồng. Thành phố dự kiến có thể thu khoảng 67 ngàn tỷ đồng từ cổ phần hóa doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới khi kinh tế thành phố lớn mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hóa không chỉ là 20 ngàn tỷ đồng mà sẽ gấp nhiều lần số này và có thể cao hơn cả mức thành phố dự kiến. Lúc đó theo dự thảo nghị quyết, phần để lại cho thành phố sẽ là nguồn lực đáng kể để thành phố thực hiện các nhiệm vụ của mình.

“Báo cáo với Quốc hội không chỉ là 18.800, theo dự kiến thành phố bán số theo lộ trình của giai đoạn 2017-2020 là 67 ngàn, chúng tôi cho rằng trong điều kiện thị trường tài chính tốt hơn, mình làm tốt hơn thì có thể cao hơn cả số 67 ngàn” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Toàn cảnh phiên họp sáng 20/11. Ảnh: Quốc Khánh
Toàn cảnh phiên họp sáng 20/11. Ảnh: Quốc Khánh

Ngoài ra, với các địa phương vốn doanh nghiệp nhà nước chủ yếu hiện nay nằm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương khác rất nhỏ và theo quy định, sau khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn thì các địa phương phải nộp về quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trung ương. Nhưng qua theo dõi vừa qua, chúng tôi thấy số các địa phương nộp về, từng địa phương cụ thể với số các địa phương xin cấp bổ sung vốn điều lệ cho các công ty công ích tại địa phương thì địa phương nhận lại nhiều hơn là số nộp lên.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tài chính, với vấn đề các Đại biểu Nguyễn Thái Học có nêu là mở rộng thí điểm cho Hà Nội. Hà Nội đã có Luật Thủ đô, Bộ Chính trị đã có kết luận về nghị quyết cho Thành phố Hà Nội và tiếp thu ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách và hướng dẫn Luật Thủ đô, cụ thể hóa hơn kết luật của Bộ Chính trị và trình Quốc hội trong thời gian tới.

“Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP và thu ngân sách cho cả nước. Khi đó không chỉ thành phố được lợi mà cả nước nói chung cũng sẽ được hưởng lợi” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng  nhấn mạnh.

Việt Hùng(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO