Bộ trưởng Công Thương: "Kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền"

01/06/2015 00:00

Theo khẳng định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền và đến năm 2016 sẽ thí điểm thị trường điện bán buôn.

Tại văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tới lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu... cùng với việc quản lý chặt chẽ giá điện, giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới

Số liệu do Bộ trưởng Hoàng chung cấp cho thấy, cuối năm 2012, trên thị trường có 12 doanh nghiệp đầu mối tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước (chiếm đa số) và doanh nghiệp tư nhân; thì đến giữa tháng 5/2015, số doanh nghiệp đầu mối đã tăng lên 22 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước, còn lại 14 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, “mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 83 đều có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, vì vậy việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa”.

Bên cạnh việc kinh doanh xăng dầu theo phương thức tổng đại lý, đại lý được quy định tại Nghị định số 84, Nghị định số 83 bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại. Quy định mới này, theo nhận định của Bộ trưởng Công Thương sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu.

Về điều hành giá xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm công bố thông tin về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp, công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính của doanh nghiệp khi đã được kiểm toán.

Do vậy, “thị trường xăng dầu hiện nay không có tính độc quyền; tính cạnh tranh ngày càng tăng, hoạt động kinh doanh xăng dầu được công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp đều có thể khai thác, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu của mình, đồng thời giám sát được việc điều hành kinh doanh xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp…”, Bộ trưởng khẳng định.

Với mặt hàng xăng sinh học E5, hiện các địa phương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã tích cực triển khai đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông trên thị trường. Tất cả các địa phương đều đã có kế hoạch triển khai trong năm 2015 với mục tiêu trong năm 2015 tất cả xăng A92 bán ra là xăng E5.

Thí điểm bán buôn điện vào năm 2016

Đối với lĩnh vực điện lực, Bộ trưởng Công Thương cho hay: Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004 và được cụ thể hóa trong Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo đó, lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được thực hiện cụ thể như sau: Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): tiếp tục thị trường phát điện cạnh tranh: từ năm 2012; Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2): từ năm 2015-2021; và Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3): từ năm 2021.

Thực hiện quy định tại lộ trình, từ năm 2015 thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Việc nghiên cứu, xây dựng, vận hành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là quá trình phức tạp, mang tính lâu dài; đồng thời cần thiết phải giải quyết nhiều vấn đề, từ kinh tế - tài chính đến kỹ thuật, cơ cấu ngành điện; từ cấp độ tổng quan đến các vấn đề cụ thể chi tiết.

Báo cáo cũng cho hay, từ tháng 10/2014, Bộ Công Thương đã thuê Liên danh tư vấn IES/SWA (Australia) nghiên cứu xây dựng Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Hiện tại, bên tư vấn đã hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam trình Bộ Công Thương. Căn cứ báo cáo do Tư vấn thực hiện, Bộ Công Thương sẽ tiến hành triển khai xây dựng Đề án Thiết kế chi tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến thị trường điện bán buôn giai đoạn thí điểm sẽ vận hành từ năm 2016.

Thực hiện giá điện theo giá thị trường, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện; cơ cấu biểu giá; quy định về kiểm tra và công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm. Bộ Công Thương cũng đã ban hành các Thông tư quy định về cơ chế giá điện các khâu phát điện, truyền tải, quản lý ngành; quy định về thị trường phát điện cạnh tranh.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết giá điện và vận hành thị trường điện nhằm tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện”, Bộ trưởng Hoàng thông tin.

Theo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Công Thương: "Kinh doanh xăng dầu không còn độc quyền"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO