Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh:Quốc Khánh |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc bộ máy nhà nước ta hiện còn quá cồng kềnh, mặt khác, một số cơ quan, đơn vị giữa khối Đảng và Nhà nước ở một cấp đang có sự chồng lấn về nhiệm vụ, đối tượng quản lý… những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác cán bộ nhằm khắc phục tình trạng trên? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:
Trong giai đoạn kế hoạch từ năm 2016 đến năm 2020, Chính phủ đề ra rất nhiều các giải pháp, thể hiện sự quyết tâm rất quan trọng đối với các tỉnh, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Đề án về cải cách hành chính giai đoạn 2016- 2020. Bên cạnh đó là kế hoạch hàng năm và lộ trình cụ thể giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; kết hợp việc cải cách hành chính với việc thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước để phù hợp thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, trong 2 năm qua, nước ta chỉ tinh giản được hơn 17.000 biên chế, nếu thực hiện bình quân mỗi năm 1% thì năm 2016 phải tinh giản biên chế công chức từ cấp huyện trở lên là hơn 36 ngàn người. Do đó, đối với cơ quan hành chính nhà nước ở khối Đảng, đoàn thể, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội chiều 16/11. Ảnh:Việt Hùng |
“Sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tư pháp thẩm định, thực hiện cương quyết tinh giản bộ máy bằng cách thu gọn đầu mối trong các tổ chức, cơ quan cấp bộ; sửa đổi Nghị định 24 trong việc xây dựng tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc hạn chế thành lập các tổng cục, việc chuyển từ vụ qua cục để giảm bớt cơ cấu bộ máy bên trong các tổ chức, thực hiện tinh giản biên chế và xác định rõ chức năng, nhiêm vụ” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay.
Trả lời chất vất của đại biểu về vấn đề giảm biên chế nhưng theo hình thức, giảm 2 thu 1, giảm những người không làm được việc, thu những người công tác tốt; thực trạng, giải pháp khắc phục việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, phẩm chất, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức còn hạn chế, yếu kém... Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, vấn đề tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị là một chủ trương rất lớn, đã bắt đầu thực hiện trong năm 2015 và năm 2016.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, chủ trương thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao để tiến hành làm tinh gọn bộ máy, vừa tinh giản, vừa kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Trong thời gian qua, thông thường ở bộ, ngành, địa phương chú trọng tinh giản biên chế nhưng ít quan tâm đến việc cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị trong nền hành chính. Nếu không kết hợp giữa cơ cấu lại tổ chức và cơ cấu đội ngũ công chức, viên chức thì sẽ không thực hiện được vấn đề tinh giản biên chế.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin: Thực hiện công tác biên chế hàng năm, với năm 2017, Bộ Nội vụ cũng đã trình Chính phủ giao cho bộ, ngành, địa phương thực hiện giao trước ngày 1/12/2016 để Hội đồng nhân dân các cấp có đủ điều kiện giao kinh phí và biên chế cho các đơn vị trực thuộc tỉnh.
“Trước đây, biên chế thường giao sau kỳ họp Hội đồng nhân dân nên đối với các tỉnh là lấy biên chế của năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 10 năm nay, Bộ đã giao trước biên chế cho tất cả các bộ, ngành và các địa phương để có cơ sở trên công thức mỗi năm giảm 1,5% về biên chế được giao so với năm 2015. Bộ Nội vụ cũng đã giao cho các cơ quan trung ương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết hơn 4.000 hợp đồng ngoài biên chế trong thời gian tới để kết hợp với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị” - Bộ trưởng Bộ nội vụ cho hay.
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quốc Khánh |
Để thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là một chủ trương rất lớn nhằm giảm biên chế, thu gọn đầu mối đối với các cơ quan hành chính trong hệ thống chính trị, đối với đơn vị sự nghiệp thì chúng ta khuyến khích việc xã hội hóa và giao quyền tự chủ. Việc này sẽ nhằm loại ra hàng trăm người nhà nước không phải trả lương. Do đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn chỉnh đối việc ban hành cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ cũng đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ việc giao biên chế hàng năm cho các bộ, ngành và địa phương, tuân thủ đúng theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, mỗi năm giảm bình quân 1,5%. Nếu thành lập mới, các đơn vị tự cân đối số biên chế được giao, trừ trường hợp ngành giáo dục, y tế khi tăng thêm các trường, lớp, bệnh viện nhưng cũng phải xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng vấn đề biên chế.
Khẳng định sẽ cương quyết thực hiện vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo của các địa phương, các bộ, ngành ủng hộ Bộ Nội vụ cương quyết thực hiện chủ trương này bởi đây cũng là một trong những vấn đề để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
Giải trình về căn nguyên của sự chậm trễ, ách tắc trong việc triển khai thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, vấn đề này giờ lại được phân cấp cho chính quyền địa phương có lãng phí thời gian, công sức, có làm phát sinh thủ tục hành chính hay không... Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Trong thời gian qua, công việc phê duyệt vị trí việc làm của các đơn vị hành chính nhà nước ở tất cả các cơ quan bộ, ngành, các địa phương đã được Bộ Nội vụ kết thúc trong tháng 8/2016. Tuy nhiên, về đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đây là một vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn, rất khó với Bộ Nội vụ. Do đó, Bộ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nên phân cấp cho các đơn vị.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin thêm trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết phân cấp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ chi thường xuyên, giao cho đơn vị tự quyết định 3 vấn đề là vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
“Trong kỳ họp tháng 9 vừa qua, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phân cấp thêm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà chưa thực hiện chế độ tự chủ hoặc thực hiện chế độ tự chủ một phần, giao trách nhiệm này cho Bộ trưởng của các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 3 nội dung nêu trên, trừ trường hợp có tăng thêm biên chế thì thông qua Bộ Nội vụ để có thống nhất” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Quốc hội sẽ thực hiện phiên chất vấn với Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Phóng viên Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật những thông tin mới nhất về phần trả lời của Thủ tướng để bạn đọc theo dõi.
Việt Hùng - Hải Ngọc (lược ghi)