Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo giải trình về việc công chức, viên chức nghỉ việc

Khương Trung | 27/10/2022 21:36

Trong phiên thảo luận chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Giáo dục - Đào tạo đã giải trình với Quốc hội về vấn đề cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó ngành giáo dục chiếm tỷ lệ cao.

Cần điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, những ngày qua, Bộ nhận được trên 200 ý kiến của cử tri, bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng thiếu giáo viên và hiện tượng giáo viên bỏ việc, chuyển việc.

son-165407393446272929059.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Về thiếu giáo viên, ông Sơn cho biết, từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung 107 nghìn người. Con số này cần bù đắp để vừa duy trì dạy và học bình thường, vừa thực hiện các mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng. Về nguyên nhân thiếu giáo viên được Bộ trưởng liệt kê rất nhiều, trong đó có tình trạng giảm biên nhiều năm không tuyển, thiếu giáo viên do tăng dân số tự nhiên, do biến động về dân số một số vùng miền dồn về các thành phố lớn, khu công nghiệp, rồi do dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa…

Về giải pháp, theo Bộ trưởng, vừa qua, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65 nghìn chỉ tiêu đến năm 2026, riêng năm nay được duyệt trên 27 nghìn chỉ tiêu, tới đây sẽ bắt đầu công việc tuyển dụng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, tiếp tục tuyển dụng để đáp ứng được yêu cầu. Trong số 65 nghìn chỉ tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong ngành nội vụ phối hợp ngành giáo dục đào tạo dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 – 2024, vì đây là những năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn, nếu đợi sau năm 2024, lúc đó sẽ không còn ý nghĩa. “Các địa phương cần phải tuyển ngay, tránh tình trạng dồn 2, 3 năm mới tuyển”, Bộ trưởng lưu ý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một trong những chính sách rất quan trọng là việc tăng lương cho giáo viên. Bộ trưởng cho đây là giải pháp rất quan trọng để giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, đối với giáo viên, thiếu nhiều nhất, bỏ việc nhiều nhất là cấp giáo viên mầm mon, chiếm 40%. Trước tình trạng trên, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non. Hiện đang tính ở mức 55%, ông đề nghị mức tốt nhất là tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm giáo viên mầm non được hưởng tương tự như mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở. Nếu không không thì cũng tăng tối thiểu lên ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.

“Ngành giáo dục đào tạo kiến nghị và hết sức mong muốn được nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho đối tượng giáo viên mầm non”, Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, hiện còn chính sách rất quan trọng để có thể giảm được tỷ lệ thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế 10%. Bộ trưởng cũng đề nghị phải giám sát thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để đảm bảo công bằng, công khai minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực trong thi tuyển giáo viên.

“Nếu để phát sinh tiêu cực trong việc này thì đó là điều rất đáng tiếc, có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển”, Bộ trưởng lưu ý, đồng thời đề nghị các địa phương dùng ngân sách của địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên không thuộc chỉ tiêu biên chế.

Cải cách chính sách tiền lương tạo tín hiệu vui

271020220332-z3833553636176-07c2565bd5a9ba3a4f729c432ab040e1.jpg
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà giải trình trước Quốc hội chiều ngày 27/10

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và tăng lương cơ sở, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ công sang tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta", Bộ trưởng Nội vụ phân tích.

Cũng theo Bộ trưởng, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các thành phần kinh tế, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công, trong đó có dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển khá mạnh ở các khu đô thị. Điều này tạo cơ hội cho người lao động ra – vào trong khu vực công và khu vực tư thường xuyên theo quy luật cung cầu…

“Xét mặt tổng thể, việc chuyển dịch này cũng có yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách hướng tới sự đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nguồn nhân lực trong khu vực công.

Tuy nhiên số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc hàng loạt trong hơn 2 năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là vấn đề đáng quan ngại”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Về chủ quan, Bộ trưởng cho rằng, thu nhập, tiền lương của công chức viên chức còn thấp hơn khu vực công dù cùng trình độ. Áp lực công việc của công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, giáo dục thì phải đổi mới chương trình, thay đổi phương thức làm việc trong điều kiện đại dịch, trong khi đó điều kiện thực hiện còn nhiều khó khăn…

Về giải pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các nhiệm vụ. Đó là cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII, trước hết là tại kỳ họp này Quốc hội xem xét tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) tạo tín hiệu vui, bắt đầu thực hiện 1/7/2023 là hợp lý. Bên cạnh đó, trong điều kiện chúng ta chủ động, lường trước được các vấn đề phát sinh năm 2023 về lạm phát, yếu tố khách quan, nhiều đại biểu cũng có ý kiến nên tăng lương từ 1/1/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo giải trình về việc công chức, viên chức nghỉ việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO