Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các vị Đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội sáng 7/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiều vị Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với tư lệnh ngành Công thương về tình hình sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, mặc dù có quyết liệt phòng, chống ngăn chặn nhưng vẫn gây tâm lý lo lắng cho nhân dân…
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng các Đề án lớn về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ cũng như chống truyền tải bất hợp pháp trong các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư tại Việt Nam với những nội dung rất cụ thể.
Bộ Công Thương đã chủ động có cơ chế chính sách để thông báo kịp thời cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các tỉnh để quản lý chặt chẽ hơn và khuyến nghị để kiểm soát hoạt động đầu tư, tránh chuyển tải bất hợp pháp.
Đối với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, chúng tôi có danh sách của các cảnh báo sớm các nguy cơ gian lận thương mại trong một số mặt hàng. Ví dụ hiện nay có tới 25 mặt hàng chúng ta có xuất khẩu đi Hoa kỳ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng, trong đó có những mặt hàng rất cao như điện tử, gỗ dán, dệt may, da giày.
Và theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mới đây nhất, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng thông tư cho tạm dừng việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu cũng như chuyển tải xuất khẩu các mặt hàng gỗ dán đi Hoa Kỳ vì đây là mặt hàng có tăng trưởng lên tới hơn 400% trong thời gian vừa qua, đã gây nguy cơ lớn cho câu chuyện gian lận thương mại và gian lận xuất xứ đi Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội sáng 7/11. Ảnh: Quốc Khánh |
Đồng thời, Bộ cũng đang tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tổ chức khuyến nghị cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo về nguy cơ bị trừng phạt thương mại cũng như bị áp thuế trong các mặt hàng khác.
Vì theo Bộ trưởng, có rất nhiều những sản phẩm là của các nước khác bị áp thuế của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước cả về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nên họ tìm cách lợi dụng sản phẩm có xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu đi những nước này, tránh bị áp thuế.
Vì vậy việc cảnh báo cung cấp thông tin kịp thời cho Hiệp hội ngành hàng là những nội dung rất cần thiết và Bộ Công Thương cũng đang triển khai trong thời gian vừa qua.
Trả lời câu hỏi của các Đại biểu về công tác ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, những câu chuyện về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt tại các khu vực địa phương trên địa bàn cả nước của chúng ta.
Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành Công thương, khi chúng ta đang hội nhập rất sâu và rộng với thế giới thì những câu chuyện này ngày càng phát triển và mạnh mẽ hơn, thậm chí là còn được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết cả trong và ngoài nước.
Vì vậy đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, thể hiện rõ qua vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, của Tổng cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 quốc gia. “Chúng tôi cũng cho rằng, Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm của mình, trước tiên là lực lượng chủ công trong Ban chỉ đạo 389” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết thêm, chúng ta cũng nhìn nhận thấy trách nhiệm của tất cả các lực lượng chức năng của cả hệ thống chính trị trong câu chuyện để đấu tranh cho buôn lậu, gian lận thương mại, thậm chí kể cả những thói quen tập quán trong tiêu dùng của chúng ta cũng đã tạo điều kiện tiếp tay cho những gian lận thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, rất nhiều lần chúng ta cũng thấy là không chỉ có hàng thuốc giả, hàng mỹ phẩm giả, mà đơn giản là quần áo, rồi các đồ trang sức và những đồ tiêu dùng khác, hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại địa phương.
“Chính vì vậy trong thời gian vừa qua Bộ Công thương đã quyết liệt trong xây dựng một loạt đề án đấu tranh từ chống đường buôn lậu, chống hàng giả gian lận trong sở hữu trí tuệ, cũng như những mặt hàng khác liên quan đời sống người dân như là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về kế hoạch chống hàng giả trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành cũng đang tổ chức những cuộc đấu tranh có trọng tâm và trọng điểm tại một số khu vực, địa bàn trọng điểm. Tới đây sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan để kiểm soát về thực phẩm chức năng, an toàn thực phẩm cũng như là các mặt hàng chữa bệnh để có những biện pháp đấu tranh hữu hiệu…
Nhìn nhận trách nhiệm của mình trong thời gian Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết: Chúng tôi cũng cam kết trong thời gian tới lực lượng chức năng của quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa trách nhiệm mình trong chủ động và phối hợp với các địa phương cũng như với các lực lượng chức năng của đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng trả lời các câu hỏi liên quan đến các nội dung như: Nền kinh tế mở; Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; Về biện pháp kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có cài cắm "bản đồ lưỡi bò”; Giải pháp ngăn chặn đường nhập khẩu gian lận vào Việt Nam; Một số nội dự án phát triển lưới điện tại Bình Định…
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang diễn ra, dự kiến cuối giờ sáng nay 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ có phát biểu giải trình một số nội dung Đại biểu và Cử tri quan tâm.
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo