Ngày 24/8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, sau khi UBND TP Đà Nẵng có công văn kiến nghị số 6344/UBND-KTN, ngày 19/8, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) đã có Công văn số 844/TNN-NM ngày 19/8/2015 yêu cầu Công ty Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Bung và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và KCN Việt Nam vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia từ ngày 21 - 31/8 để đảm bảo nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho vùng hạ du.
Trước đó, như đã đưa tin, tại Công văn 6344/UBND-KTN ngày 11/8, UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị các Bộ, ngành hữu quan chỉ đạo các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia (gồm thủy điện Sông Bung 4, thủy điện A Vương và đặc biệt thủy điện ĐăkMi 4) vận hành xả nước thường xuyên, liên tục về hạ du sông Vu Gia nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho TP Đà Nẵng, đồng thời không để tái diễn trường hợp tương tự trong thời gian đến.
Được biết 7 tháng đầu năm 2015, nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 42 ngày, trong đó chỉ riêng tháng 7 đã có 23 ngày, đặc biệt là đã xảy ra đợt nhiễm mặn kéo dài liên tục từ 14 - 28/7 với độ mặn cao nhất đo được lúc 7h30 ngày 28/7 là 13.568mg/l, gấp 65 lần quy định cho phép để sử dụng nước sinh hoạt (theo tiêu chuẩn độ mặn nước cấp cho sinh hoạt phải ≤250mg/l). Đây là đỉnh mặn cao nhất của nguồn nước thô sông Cầu Đỏ trong suốt hơn 10 năm qua.
Trước tình hình đó, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã phải vận hành liên tục trạm bơm phòng mặn An Trạch để lấy nước thô tại đập An Trạch cấp cho 2 nhà máy sản xuất nước chính của TP Đà Nẵng là Cầu Đỏ và Sân Bay. Tổng số giờ vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch trong 7 tháng đầu năm là 364 giờ với lượng nước thô bơm về là 1,66 triệu m3.
Tuy nhiên, lượng nước về đập An Trạch cũng giảm, mực nước ở đập dâng An Trạch thường xuyên dao động từ 1,4 – 1,8m trong khi mực nước cần thiết để trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động tối thiểu là 1,8m – 2,0m. Điều này đã gây khó khăn lớn cho Dawaco trong việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho TP Đà Nẵng và làm tăng chi phí hoạt động cấp nước sinh hoạt của Dawaco.
Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, nguyên nhân chính của đợt nhiễm mặn kéo dài này là do các nhà máy thủy điện A Vương, Sông Bung 4 không vận hành hoặc chỉ vận hành cầm chừng. Đặc biệt, thủy điện Đăk Mi 4 khi vận hành phát điện đã chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn, nhưng lại không xả trả nước về hạ du sông Vu Gia qua cống xả sâu, nên lượng nước về hạ du rất ít, gây nên tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ.
Tại Công văn số 844/TNN-NM ngày 19/8, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) yêu cầu hồ A Vương vận hành xả nước bảo đảm lưu lượng trung bình ngày trong khoảng từ 15m3/s đến 24m3/s; hồ sông Bung 4 vận hành xả nước không ít hơn 12 giờ/ngày và bảo đảm lưu lượng trung bình ngày khoảng từ 20m3/s đến 28m3/s; hồ Đắk Mi 4 vận hành xả nước liên tục về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng không nhỏ hơn 8m3/s.
Trước đó, ngày 13/7, Bộ Công Thương cũng đã có công văn số 6997/BCT-CNĐP chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn (A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Tranh 2) phối hợp vận hành đảm bảo mực nước tối thiểu tại trạm thủy văn Ái Nghĩa từ 2,65m đến 2,75m (theo kế hoạch cụ thể của từng thời vụ) nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho khu vực hạ lưu.
Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, việc Bộ TN-MT chậm hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Đăk Mi 4 và Sông Bung 4 trong mùa cạn đã khiến hạ du sông Vu Gia thiếu nước và thiếu chế tài bắt buộc nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 trả nước về sông Vu Gia.
Theo Infonet