Bộ TN&MT – VietinBank: Hợp tác hướng đến mục tiêu phát triền bền vững
(TN&MT) - Chiều 15/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã ký kết thỏa thuận hợp tác hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển các-bon thấp.
Tham dự Lễ ký kết, về phía Bộ TN&MT có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Lê Công Thành, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Về phía VietinBank có Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình; Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Nguyễn Hoàng Dũng; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, Ngân hàng VietinBank là một trong bốn ngân hàng TMCP có vốn của Nhà nước, hoạt động trên các lĩnh vực tài chính và đầu tư bao gồm huy động cá nhân và tổ chức, cho vay cá nhân và pháp nhân, thẻ, bảo hiểm, chứng khoán và đầu tư tài chính. Với lịch sử 35 năm hình thành và phát triển, với vị thế hàng đầu về vốn và tổng tài sản trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, VietinBank luôn giữ vững các cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển của đất nước.
Theo Chủ tịch Trần Minh Bình, VietinBank luôn chủ động dành nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay danh mục tài trợ của VietinBank đã tăng trưởng gần 400% với gần 50.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý rác thải… Với mục tiêu trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực tín dụng xanh, tài trợ bền vững, đặc biệt là ngân hàng Việt Nam duy nhất có chi nhánh tại Châu Âu (Đức), VietinBank luôn mong muốn có cơ hội hợp tác cùng các cơ quan chính phủ trong quá trình triển khai các định hướng phù hợp với mục tiêu phát triền bền vững.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, môi trường và biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng cần hướng tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng kế hoạch hành động để có thể đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo tuyên bố tại Hội nghị COP26/COP27, là cơ hội để Việt Nam thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển các-bon thấp và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Trong đó, Bộ TN&MT là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu; đồng thời là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26/COP27, tổ chức triển khai và theo dõi tình hình thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Với chương trình ký kết hợp tác, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn hai bên cùng nhau phối hợp, chia sẻ thông tin định hướng, xu hướng phát triển, định hướng, kế hoạch hành động, cơ chế chính sách quy định liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam và trên thế giới. Việc hợp tác sẽ hỗ trợ nguồn lực để thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng sau buổi Lễ ký kết các cơ quan chuyên môn hai bên sẽ cùng phối hợp tốt để có những dự án chung thành công hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, góp phần vào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nội dung hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam sẽ hướng đến các nội dung về:
1. Chia sẻ thông tin
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách
3. Xây dựng và vận hành sàn giao dịch thị trường các-bon
4. Hỗ trợ nguồn lực để thúc đẩy các thành phần kinh tế tham gia quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
5. Hợp tác về truyền thông, đào tạo