Tham dự buổi làm việc về phía Bộ TN&MT có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Về phía TP Hà Nội có các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng cùng lãnh đạo các Sở, Ngành và một số quận huyện.
Nhiều kiến nghị lên Bộ TN&MT
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ TN&MT về kết quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm 2017 và 03 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho biết: trong năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố đạt được kết quả khá toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều hoàn thành kế hoạch, 07 chỉ tiêu vượt kế hoạch trong đó thu ngân sách vượt dự toán. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là đầu tầu kinh tế của cả nước. Cùng với các chỉ tiêu khác, lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong công tác quản lý đất đai, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc phê duyệt danh mục các dự án thu hồi đất năm 2017, 2018; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2017, 2018; Hoàn thành phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2017, năm 2018 của 30/30 quận, huyện, thị xã. Hà Nội cũng đã cho phép chuyển mục đích thực hiện là 2.027 dự án, diện tích 7.873,45 ha; Số dự án chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thực hiện là 402 dự án, diện tích chuyển mục đích khoảng 725,64 ha… Hà Nội cũng đã thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất toàn Thành phố năm 2017 đạt 7.955 tỷ đồng/ 10.000 tỷ đồng, đạt 79,6% kế hoạch. Đồng thời thực hiện xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất đối với 93 dự án, xác định giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất cho 62 dự án. Tổng thu tài chính từ đất năm 2017 được 37.128 tỷ đồng, chiếm 15% tổng thu ngân sách TP…
Trong công tác thanh kiểm tra, Hà Nội đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ TN&MT để xây dựng, định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có tính thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo, không trùng lặp; Chủ động phối hợp trong công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo góp phần ổn định tình hình địa phương, phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố. Hà Nội đã triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng, thu hồi 100.944m2 đất. Tổ chức thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 01/6/2017, đã triển khai Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 203 dự án; triển khai Đoàn kiểm tra việc thực hiện lập quy hoạch, phương án sử dụng đất của các nông lâm trường, trạm trại và đất rừng trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, trong công tác quản lý khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội đã rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường trên địa bàn; đến nay, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã có 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường; Xử lý ô nhiễm, tạo cảnh quan các ao, hồ, sông, suối bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô và kiểm soát các nguồn xả thải vào môi trường nước mặt; Đã nạo vét cải tạo Hồ Gươm và tiến hành khảo sát thường xuyên đánh giá kết quả sau khi thực hiện….
Tại cuộc họp, Hà Nội đã kiến nghị lên Bộ TN&MT 16 nội dung thuộc 3 nhóm lĩnh vực: quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và hoạt động khoáng sản. Về việc tiếp cận đất đai đối với Nhà đầu tư nước ngoài, Hà Nội đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn chi tiết liên quan đến nội dung Nhà đầu tư nước ngoài/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp. Về việc tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa: Thành phố Hà Nội đã cơ bản thực hiện xong việc dồn điền đổi thửa đất cho các hộ gia đình cá nhân; Tuy nhiên hiện nay các hộ gia đình cá nhân lại thực hiện quyền như cho tặng, thừa kế dẫn đến phải thực hiện việc chia tách thửa đất (tạo thành các thửa nhỏ). Hà Nội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, có hướng dẫn để tháo gỡ. Hà Nội cũng kiến nghị Bộ TN&MT tháo gỡ các khó khăn về: Giá đất; Việc rút ngắn thời gian thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị với Bộ TN&MT một số nội dung trong việc lựa chọn Doanh nghiệp để cấp Giấy phép khai thác đối với các trường hợp đã được phê duyệt kết quả thăm dò, thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Thủ tục cấp Giấy phép thăm dò, khai thác đối với phần trữ lượng bổ sung khi hạ thấp mức sâu khai thác đối với các mỏ cát đã được Giấy phép khai thác khoáng sản cát; Hướng dẫn về phương pháp quản lý việc khai thác nước khoáng nóng của các hộ gia đình nêu phù hợp với điều kiện thực tế…
Trong lĩnh vực môi trường, Hà Nội đề nghị Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tế hiện nay (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...) và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc; Hướng dẫn xây dựng Trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới Quan trắc môi trường cấp tỉnh để phù hợp với mạng lưới quốc gia và các quy chuẩn môi trường hiện hành; Hướng dẫn các tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động trong khu dân cư để phù hợp với thực tế…
Hà Nội tiên phong xây dựng quy hoạch môi trường
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT như: Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước… đã giải đáp hướng dẫn các Sở, Ngành của thành phố trong từng lĩnh vực theo 16 kiến nghị của UBND TP Hà Nội.
Sau phát biểu của lãnh đạo các đơn vị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã giải đáp thắc mắc và góp ý với Hà Nội một số nội dung trong công tác đánh giá tác động môi trường, đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban sông Nhuệ - Đáy, đẩy mạnh công tác xã hội hóa xử lý nước thải, xây dựng quy hoạch môi trường Thủ đô trong giai đoạn mới... “Hà Nội đang hướng đến xây dựng Thủ đô xanh và phát triển bền vững vì vậy tôi cho rằng việc xây dựng quy hoạch môi trường là hết sức cần thiết…” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
Phát biểu với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Hà Nội trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường trong thời gian vừa qua.
Đồng tình với phần trả lời, giải đáp thắc mắc của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã làm rõ thêm những thắc mắc của Hà Nội tại buổi làm việc. Với những vấn đề chưa rõ ràng, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT phối hợp với Hà Nội làm rõ hơn trong thời gian sớm nhất.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đối với các đề xuất liên quan đến công tác quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Sở TN&MT Hà Nội lắng nghe thêm ý kiến của các Sở, Ngành để có đề xuất tương đối cụ thể, tương đối hoàn thiện về những kiến nghị để Bộ TN&MT đưa vào các nội dung, quan điểm trong sửa đổi một số Luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Liên quan đến các kiến nghị của Hà Nội về lĩnh vực môi trường, đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ trưởng cho biết, ông cùng với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thống nhất quan điểm giao cho Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT làm đầu mối thực hiện các đề xuất, xác định rõ các cơ quan để thực hiện, đề xuất. Bộ trưởng cũng rất tâm đắc với đề xuất của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân về việc Hà Nội cần đi tiên phong trong việc xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường… Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đồng ý ngay và khẳng định: Hà Nội sẽ đi tiên phong cả nước trong xây dựng Quy hoạch bảo vệ môi trường.
Đề cập công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tình hình thực hiện công tác này vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại. Điều này, theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, có cả những vướng mắc về cơ chế chính sách, có cả những vướng mắc trong quá trình thực thi công việc. “Nếu Hà Nội giải quyết được một số vướng mắc và tồn tại trong công tác cấp Giấy chứng nhận chỉ trong mấy phần trăm còn lại đó, chúng ta sẽ lấy được thêm niềm tin của người dân” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Quản lý đất đai và Thanh tra Bộ phối hợp cùng Hà Nội tháo gỡ những vướng mắc này.
Đề cập những dự án được giao đất nhưng chưa đưa nguồn lực này vào hoạt động, Bộ trưởng cho biết Bộ TN&MT thống nhất với thành phố trong việc sớm đưa nguồn lực này vào để phát triển kinh tế. Bộ trưởng cũng giao Thanh tra Bộ và Tổng cục Quản lý đất đai phối hợp với Hà Nội trong việc xem xét, thanh tra, kiểm tra đối với các dự án chậm triển khai để có thể xử lý, thu hồi các dự án này giúp thành phố phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị Hà Nội phối hợp trong việc thực hiện tốt các chủ trương của Chính phủ trong việc giải quyết các trụ sở của các cơ quan nhà nước. Đề xuất này của Bộ TN&MT được lãnh đạo UBND TP Hà Nội ủng hộ. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung giao Sở TN&MT, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài chính… lên phương án giúp Bộ TN&MT thực hiện việc xây dựng tập trung trụ sở theo đề xuất của Bộ. Ngoài ra, tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và lãnh đạo Bộ TN&MT còn thống nhất nhiều nội dung mà hai bên cùng quan tâm.
Trong năm 2017 và 2 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận lần đầu và kê khai đăng ký đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư: Tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận và kê khai đăng ký đất đai là: 1.551.951 thửa; đã thực hiện cấp GCN và đăng ký kê khai đất đai lần đầu là: 1.534.830 thửa/1.551.951 thửa. Trong đó: đã cấp GCN cho 1.338.389 thửa/1.335.510 thửa (đủ điều kiện cấp GCN), đạt 98,74%; đã cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho 196.441 thửa/196.441 thửa, đạt 100%; Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở (Chủ đầu tư đã xây dựng xong và đã lập hồ sơ trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định): đã cấp GCN cho 159.963 căn/178.278 căn, đạt 89,73%; còn 18.315 căn hộ đang tiếp tục triển khai cấp GCN; Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư: đã cấp Giấy chứng nhận cho 12.901 căn/14.027 căn (đã có Quyết định bán nhà), đạt 91,97%; Cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 616.256/622.861 giấy chứng nhận, đạt 99%; Cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức (bao gồm các tổ chức kinh tế, cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức sự nghiệp công, UBND các cấp): 17.051 thửa đất/19.247 thửa đất, đạt 88,59%; Cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã được 359/4.995 thửa đất, đạt 7,19%... |