Ngành TN&MT

Bộ TN&MT tổng kết công tác nghiên cứu khoa học năm 2023

Hoài Thu 12/12/2023 21:46

(TN&MT) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã chủ trì cuộc họp báo cáo nhiệm vụ công tác tháng 12 và hoàn thành kế hoạch năm 2023 của Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (BVMT) và 2 trường: Đại học TN&MT Hà Nội, Đại học TN&MT TP. HCM

img_0265.jpeg

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ TN&MT cho biết, trong năm qua, Vụ KH&CN tiếp tục quản lý việc triển khai 175 đề tài cấp Bộ thuộc 6 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2021 - 2025 với các đề tài về công nghệ thông tin phục vụ quản lý Nhà nước ngành tài nguyên và môi trường; liên tục đôn đốc các tổ chức chủ trì hoàn thành nhiệm vụ để phục vụ nghiệm thu đánh giá đúng thời hạn với 68 đề tài cấp Bộ kết thúc nghiệm thu đánh giá, 49 để tài đã hoàn thiện sản phẩm và có công văn gửi Bộ đề nghiệm thu cấp Bộ (chiếm 72%).

img_0264.jpeg
Ông Nguyễn Thạc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN phát biểu tại cuộc họp

Trong đó, Vụ đã tham mưu với Lãnh đạo Bộ thành lập Hội đồng và tổ chức tuyển chọn đối với 52 nhiệm vụ cấp Bộ, giao cho Tổng cục, các Cục quản lý chuyên ngành xét giao trực tiếp 5 nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu và phát triển các nhiệm vụ phục vụ xây dựng văn bản pháp luật về tài nguyên môi trường; ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn và BĐKH, địa chất khoáng sản và ứng dụng KHCN trong chuyển đổi số và chính phủ điện tử cũng như đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực và các hướng công nghệ ưu tiên.

Đồng thời, năm 2023, tổng kinh phí phân bổ cho các đề tài cấp cơ sở của Vụ hơn 6 tỷ đồng và được Lãnh đạo Bộ phê duyệt danh mục thực hiện theo tiêu chí ưu tiên về tính cấp thiết cần thực hiện, đối với những nhiệm vụ phục vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (như sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Địa chất khoáng sản) và các vấn đề cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và các công nghệ của Vụ đôi khi chưa được giám sát chặt chẽ, nhất là việc báo cáo kết quả ứng dụng hàng năm của các đơn vị ngoài Bộ.

img_0267.jpeg
PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu tại cuộc họp

PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội trình bày những kết quả trường đã đạt được trong năm 2023, về công tác đào tạo, trường đã xuất bản 4 giáo trình: Quan trắc môi trường (5 tập); Lượng giá tài nguyên thiên nhiên (3 tập); Kiểm toán môi trường (2 tập) và Bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái (1 tập).

Nhấn mạnh kết quả đạt được, ông cho biết, tháng 6/2023, trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2 và ngày 11/12/2023, trường được trao chứng nhận đạt chuẩn 4 sao theo định hướng ứng dụng của Viện đổi mới sáng tạo UPM. Về công tác KHCN, tháng 10 và tháng 11/2023, trường đã tổ chức thành công một Hội thảo Quốc gia và một Hội nghị Quốc tế GIS - IDEAS với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học quốc tế và gần 200 nhà khoa học Việt Nam.

Cùng với đó, số lượng đề tài cấp Bộ trong năm trường đã thực hiện gồm 6 đề tài, đã nghiệm thu 5 đề tài và một đề tài nghiệm thu cấp cơ sở. Trong đó, với 2 đề tài theo Chương trình KHCN trọng điểm cấp Bộ đã được thực hiện triển khai và 4 đề tài KHCN theo chương trình 562 của Chính phủ.

img_0266.jpeg
PGS.TS Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh báo cáo tại cuộc họp

PGS.TS Lê Hoàng Nghiêm - Phó Hiệu trưởng trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2023 của trường, trong đó, trường đã thực hiện kiểm định chất lượng 3 chương trình đào tạo gồm: Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Cấp thoát nước và Thuỷ văn học. Cùng công tác KHCN, trường đã nghiệm thu một đề tài Nafosted, 3 đề tài cấp Bộ, 14 đề tài cấp Trường. Các đề tài NCKH đã có những ứng dụng thực tế vào công tác đào tạo của Nhà trường. Kết quả các công trình NCKH ghi nhận 115 tạp chí và 60 kỷ yếu hội thảo trong nước; 60 tạp chí, 15 tạp chí khoa học thuộc danh sách ISI, Scopus quốc tế; Ký kết 6 biên bản ghi nhớ (MOU) 3 biên bản nước ngoài và 6 biên bản trong nước; tổ chức thành công Hội nghị Khoa học Công nghệ Lần thứ 6 và tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, quan hệ đối ngoại trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, trường cũng hoàn thành kế hoạch đào tạo năm học 2022 - 2023 và triển khai kế hoạch đào tạo năm 2023 - 2024 đúng tiến độ và chất lượng; mở mới 2 ngành đào tạo đại học chính quy; tổ chức các Hội thảo điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng liên ngành - xuyên ngành nhằm tiếp tục duy trì ngành nghề trong điều kiện khó tuyển sinh một số ngành nghề để từ đó, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực thời kỳ 4.0, hướng đến tự chủ đại học.

Đại diện Quỹ BVMTVN đề xuất một số kiến nghị liên quan đến nhiệm vụ FPR, hiện nay quỹ cũng được tiếp nhận nguồn kinh phí đóng góp sản xuất của 60 nhà nhập khẩu, số tiền được đầu tư là khá lớn, vì vậy, Quỹ cần phải đảm bảo chặt chẽ nguồn thu. Về các thông tư, hướng dẫn, Quỹ cần phải đề xuất với Bộ TN&MT xây dựng được cơ chế tài chính doanh nghiệp, nộp tiền như thế nào, nguồn ở đâu, hạch toán trước chi phí hay sau chi phí,… và cần được thực hiện đồng bộ chính sách và quản lý chặt chẽ về nguồn kinh phí này để có thể đưa ra các phương án sử dụng phù hợp và hiệu quả.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhận định, trong năm qua, 4 đơn vị đều có nhiều nỗ lực phấn đấu, cơ bản hoàn thành tốt kế hoạch, mục tiêu trong năm 2023 về cả chuyên môn và nghiệp vụ. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần rà phải rà soát, xem xét, để đáp ứng nhu cầu thời điểm hiện tại. Do 4 đơn vị đều có những chức năng khác nhau, vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện, hoàn thiện phần còn lại của các nhiệm vụ trong năm.

Đối với Vụ KH&CN, cần tập trung hoàn thiện cơ chế quản lý khoa học công nghệ, chi tiêu tài chính. Vụ cần phải thống nhất biên soạn nội dung cần thiết, tuân thủ Nghị định. Những quy chế này phải trình xin ý kiến Ban cán sự Đảng Bộ đánh giá quy trình soạn thảo quy chế và một số nội dung, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, để từ đó, Vụ có thể tiếp thu, giải trình và hoàn thiện cơ chế, cũng như tiếp tục xây dựng, thực hiện ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Bộ TN&MT. Tiếp đó, Vụ KH&CN cũng cần kiểm tra, bổ sung nguồn lực phục vụ công việc của ngành nói riêng là xây dựng và triển khai các đề tài khoa học và của Bộ nói chung.

Với 2 trường Đại học trực thuộc Bộ, các giáo trình cần phải đáp ứng yêu cầu của quản lý Nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, đúng quy trình và phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy, đào tạo sinh viên ngành. Đồng thời, đề xuất khen thưởng cho những công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng Quốc gia, mang lại hiệu quả trên thực tiễn trong xã hội.

Quỹ BVMTVN cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính, Vụ Pháp chế để cân đối nguồn quỹ, đề ra những chính sách phục vụ doanh nghiệp, cũng như thực hiện xây dựng các hoạt động bảo vệ môi trường theo từng hạng mục được đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT tổng kết công tác nghiên cứu khoa học năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO