Môi trường

Bộ TN&MT tổ chức hội thảo trao đổi công tác phân loại rác tại nguồn

Nguyễn Quỳnh 23/08/2024 17:51

Ngày 23/8, tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo trao đổi về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các địa phương khu vực miền Nam. Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ TN&MT chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

mr-thuc.jpg
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phát biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những quy định mới mang tính đột phá, thay đổi cách thức quản lý, ứng xử với chất thải nói chung và CTRSH nói riêng.
Một trong những điểm mới đó là quy định nguyên tắc phân loại CTRSH làm 03 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa CTRSH phải xử lý và phát thải ra môi trường.

Tháng 11/2023, Bộ TN&MT đã ban hành công văn hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH và nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương. Từ nay đến thời hạn 31/12/2024 áp dụng quy định phân loại CTRSH tại nguồn chỉ còn chưa đầy 05 tháng.

Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, để công tác phân loại CTRSH được triển khai rộng rãi trên cả nước, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT tổ chức các hội thảo trao đổi về công tác triển khai phân loại CTRSH để lắng nghe, trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ cũng như đánh giá bước đầu việc triển khai phân loại CTRSH tại các địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chủ đề quản lý, phân loại CTRSH, kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn vướng mắc thực tế tại các địa phương.

Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ngãi cho biết: Địa phương này đã xây dựng kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn giai đoạn 2024-2025 theo 3 nhóm như quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên, để vận chuyển riêng 3 nhóm chất thải cần phải trang bị thêm phương tiện vận chuyển. Trong khi đó, ngân sách địa phương khó có thể đáp ứng và cũng không thể thu thêm phí của người dân. Mục tiêu của Quảng Ngãi là trong năm 2025 sẽ tổ chức phân loại CTRSH đạt 60% ở đô thị, 50 % ở khu vực nông thôn.

mr-dinh.jpg
Ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước phát biểu

Ông Võ Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Phước cho rằng: Khó khăn lớn nhất của địa phương là vấn đề hạ tầng kỹ thuật. Trước mắt, địa phương này sẽ tổ chức phân loại CTRSH tại nguồn tại TP. Đồng Xoài, còn các khu vực nông thôn, vùng núi thì rất khó tổ chức phân loại.

Ông Đinh Việt Sơn, Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP. Cần Thơ cho biết: Hiện nay, Nhà máy đốt rác phát điện đang vận hành của thành phố tiếp nhận rác không cần qua phân loại và khối lượng rác chưa cung cấp đủ. Vì vậy, ông Sơn đặt vấn đề thành phố có cần tổ chức phân loại CTRSH thành 3 nhóm không?

Nếu tổ chức phân loại rác thải thực phẩm riêng thì sẽ càng không đủ rác cung cấp cho nhà máy đốt rác phát điện và đến giờ thành phố cũng chưa tính toán được khối lượng rác thải thực phẩm là bao nhiêu để kêu gọi đầu tư nhà máy sản xuất phân composite.

can-tho.jpg
Ông Đinh Việt Sơn, Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP. Cần Thơ

Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng, theo quy định của Nghị định 45/2022 của Chính phủ thì từ ngày 1/1/2025 nếu người dân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị xử phạt. Đây là vấn đề phức tạp, không đơn giản vì chắc chắn công tác phân loại rác tại nguồn sẽ không thể diễn ra đồng loạt được.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Hoàng Văn Thức đã dành nhiều thời gian trao đổi, giải đáp, hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến công tác phân loại CTRSH tại nguồn, để công tác này được diễn ra hiệu quả từ ngày 1/1/2025.

Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương để thực hiện lộ trình phân loại CTRSH tại nguồn. Ông Thức lưu ý, việc phân loại CTRSH cần phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; phù hợp với nội dung quản lý chất thải trong các quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; nguồn lực tài chính của địa phương.

“Luật đã giao UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương để quy định lộ trình, cách thức phân loại CTRSH tại nguồn. Khi chưa đầy đủ hạ tầng thì tổ chức phân loại theo lộ trình, không cần thiết phải ra quân đồng loạt trên địa bàn cả tỉnh, thành phố” – ông Hoàng Văn Thức nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Thức đề nghị các Sở TN&MT cần nhanh chóng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy định về quản lý, phân loại CTRSH tại nguồn để làm cơ sở triển khai. Vì hiện nay mới chỉ có 50% số tỉnh, thành ban hành quy định này.

Về vấn đề xử phạt đối với trường hợp không phân loại rác tại nguồn từ 1/1/2025, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết Bộ TN&MT đang quá trình sửa đổi Nghị định 45/2022 theo hướng chỉ xử phạt các trường hợp không phân loại theo quy định của UBND cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT tổ chức hội thảo trao đổi công tác phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO