Theo đó, về phạm vi điều chỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, nội dung Tờ trình Chính phủ đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi) so với Luật Khoáng sản hiện hành, đó là “quy định việc điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về khoáng sản”.
Đồng thời, Bộ đã xác định rõ: các chính sách có tính chất kế thừa quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; các chính sách có nội dung sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh (các hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản địa chất), kể cả các chính sách đã được quy định trong Luật Khoáng sản hiện hành nhưng có sự phát triển thêm hoặc có sửa đổi, bổ sung; đã lượng hóa số điều hoàn toàn mới (51 Điều), số điều sửa đổi, bổ sung để khẳng định đây là dự án Luật sửa đổi (thay thế).
Về đối tượng áp dụng, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, trong đề cương Luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung điều quy định về “Đối tượng áp dụng” gồm: cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến công tác bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, các hoạt động khác có liên quan đến địa chất, khoáng sản.
Về tên gọi của Dự án Luật, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giải trình rõ các lý do, cơ sở của việc xác định lại phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản (sửa đổi), các lý do dẫn đến phải thay đổi tên gọi thành “Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản”.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung đầy đủ quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, gồm: điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường; địa chất công trình, địa chất đô thị; điều kiện địa chất khác nhằm phản ánh đúng bản chất của công tác này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, Bộ đã đề xuất bổ sung các quy định trách nhiệm hoàn trả kinh phí nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân khi sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ xây dựng các công trình thuộc các ngành kinh tế (Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khí tượng thủy văn; Du lịch; Quốc phòng - an ninh).
Đồng thời, Bộ đề xuất bổ sung các quy định nhằm thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu khi khảo sát địa chất xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực khác như: Giao thông, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp... (phải nộp vào lưu trữ địa chất kết quả khảo sát địa chất thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), đồng thời, quy định đầy đủ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu này.
Bộ cũng đề xuất bổ sung các quy định về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, sỏi lòng sông; các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản… nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện. Theo đó, đề cương Luật Khoáng sản (sửa đổi) có 136 Điều, trong đó, bổ sung 58 điều mới hoàn toàn về nội dung (trong đó có 13 điều liên quan đến địa chất); bãi bỏ 3 Điều; sửa đổi, bổ sung tên và nội dung 43 điều (trong đó có 15 điều liên quan đến địa chất).
Về một số chính sách cụ thể, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát toàn bộ nội dung Báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), nội dung tóm tắt 5 chính sách được nêu trong Tờ trình Chính phủ. Theo đó, Bộ đã rà soát, làm rõ trong từng chính sách các nội dung về: Mục tiêu của chính sách; Nội dung của chính sách và Giải pháp để thực hiện chính sách, làm rõ các nội dung chính sách, quy định mới, những chính sách được bổ sung, hoàn thiện nhằm khắc phục những bất cập sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản.
Về tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thi hành Luật Khoáng sản, trong đó đã rà soát nhằm đảm bảo tính tương thích các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, dự kiến nội dung bổ sung, sửa đổi với các điều ước quốc tế có liên quan trong lĩnh vực khoáng sản mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao để rà soát, cập nhật các Điều ước quốc tế, Cam kết quốc tế trong quá trình triển khai dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).