Đoàn thanh tra của Tổng Cục Môi trường (Bộ TN-MT) do ông Hoàng Văn Vy, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) làm trưởng đoàn |
Khi được thành viên đoàn thanh tra yêu cầu lấy mẫu, đơn vị phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành viên trong đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị phải cử cán bộ phối hợp, tạo điều kiện để đoàn tiếp cận vị trí đo và lấy mẫu đột xuất trong 5 phút kể từ khi được thông báo. Trong quá trình thanh tra, đoàn cũng sẽ xác định các hành vi vi phạm (nếu có) để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu chất thải và môi trường xung quanh của đơn vị theo chế độ đột xuất để đảm bảo tính pháp lý, khách quan, khoa học và phù hợp với thực tế. Việc lấy mẫu chất thải, môi trường xung quanh sẽ được lập biên bản, có chữ ký của đại diện đoàn thanh tra, đơn vị lấy, phân tích mẫu và đại diện có trách nhiệm của đơn vị được thanh tra. Theo đó, đoàn thanh tra sẽ nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra tại trụ sở đơn vị; kiểm tra các thủ tục hành chính về phát sinh chất thải, các hệ thống xử lý chất thải và xác định các vị trí xả chất thải ra môi trường để lấy mẫu trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Đà Nẵng đã xả lén nước thải ra môi trường gây ô nhiễm |
Trước đó, Báo Điện tử TN&MT đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Đà Nẵng: Ô nhiễm tại âu thuyền Thọ Quang do các doanh nghiệp thủy sản xả lén; Bức tử môi trường tại Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu; Xả thải vượt chuẩn, lò mổ gây ô nhiễm; TRạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm xả thẳng ra môi trường; Khốn khổ vì bụi đá, than tấn công trường kỳ… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chây ì trong việc khắc phục sự cố môi trường đã làm dư luận dậy sóng, bất bình trong người dân. Một số doanh nghiệp dù có khắc phục nhưng cách làm vẫn còn mang tính đối phó với các cơ quan ban ngành, chưa thực sự vì một môi trường xanh bền vững của thành phố đáng sống.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã vào cuộc mạnh mẽ và liên tục xử phạt nặng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường. Điển hình như trong gian mới đây, sau sự cố “thâm niên” về môi trường từ Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu, UBND TP. Đà Nẵng đã đã vào cuộc và tiến hành đợt thanh, kiểm tra hệ thống nước thải đầu vào tất cả KCN Liên Chiểu, kết quả đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ đơn vị XLNT.Chỉ có 4/18 đơn vị đấu nối nước thải lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; việc bảo dưỡng đồng hồ, sửa chữa, thay thế nắp đậy bảo vệ các hố ga không thực hiện thường xuyên. “Qua đánh giá chung cho thấy công tác đấu nối, kiểm soát hoạt động đấu nối nước thải từ doanh nghiệp vào hệ thống thu gom của KCN Liên Chiểu thực hiện không đồng bộ, không được quan tâm”, ông Đặng Quang Vinh - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết.
UBND TP. Đà Nẵng cũng đã vào cuộc mạnh mẽ và liên tục xử phạt nặng đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường |
Trong quá trình vận hành Trạm XLNT, Công ty Quốc Việt đã tự ý điều chỉnh, thay đổi công năng các bể xử lý. Cụ thể, không sử dụng bể điều hòa kết hợp bể lắng, bể kỵ khí; không sử dụng các hóa chất trong quá trình vận hành trạm (trợ lắng PAC tại bể lắng); chưa thực hiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục chất lượng nước thải sau xử lý. Bên cạnh đó, các máy móc thiết bị đầu tư, vận hành tại trạm phần lớn cũ kỹ, không đồng bộ, thiếu máy móc thiết bị dự phòng; không đầu tư thiết bị phục vụ vận hành Trạm xử lý nước thải như máy đo Ph, DO, ống đóng xác định mật độ bùn bể sinh học; đội ngũ quản lý và vận hành không có chuyên môn kỹ thuật và năng lực điều hành; đồng thời trong thời gian dài không tiến hành hút bùn bể lắng, là một trong những nguyên nhân gây mùi hôi.
Những sai phạm nghiêm trọng đó đã được đoàn thanh tra liên ngành Đà Nẵng làm rõ, đoàn thanh tra cũng đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng chấm dứt ngay hợp đồng vận hành Trạm XLNT tập trung KCN Liên Chiểu với Công ty Quốc Việt và xử phạt Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng 366 triệu đồng.
Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng đã kiểm tra 20/21 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu. Theo đó, chỉ có 4 doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Các công ty còn lại xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tạm dừng hoạt động sản xuất và tiếp nhận nước thải của Công ty TNHH Sức Trẻ, Công ty CP Gốm sứ Cosani về Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Liên Chiểu; yêu cầu 2 công ty này khẩn trương khôi phục hệ thống xử lý nước thải nội bộ của công ty bảo đảm xử lý đạt yêu cầu theo cam kết trong hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, báo cáo UBND thành phố xem xét trước khi cho phép hoạt động trở lại. Trường hợp các đơn vị không nghiêm túc chấp hành, yêu cầu báo cáo UBND thành phố xử lý hành chính và thực hiện các bước trình tự theo quy định.
Nhiều đơn vị đã bị xử phạt nặng vì vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường |
Trước đó, cơ quan chức năng Đà Nẵng cũng đã xử phạt Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (khối Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) với tổng số tiền là 270,4 triệu đồng về vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hệ thống xử lý nước thải của Trung tâm này xuống cấp trầm trọng, nước thải xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm từ lâu, đặc biệt là nước thải đổ ra sông Phú Lộc rồi ra biển rất nguy hiểm. Ngoài ra, cơ sở này đã bị kiểm tra và xử phạt nhiều lần, đơn vị cũng nhiều lần hứa khắc phục nhưng chỉ hứa rồi để đó.
Bài & ảnh: Xuân Lam