Bộ TN&MT thẩm định 2 Đề án thăm dò khoáng sản tại Phú Thọ và Nghệ An

Mai Đan| 04/11/2020 13:08

(TN&MT) - Sáng 4/11, tại Hà Nội, Bộ TN&MT thẩm định Đề án thăm dò kaolin-felspat khu vực Giáp Lai – Tất Thắng, xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ và Đề án thăm dò đá hoa dolomit làm đá ốp lát khu vực Tây Bắc Lèn Chu, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên – Chủ tịch Hội đồng thẩm định Đề án thăm dò khoáng sản chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên (bên phải) phát biểu tại cuộc họp

Đề án thăm dò kaolin-felspat khu vực Giáp Lai - Tất Thắng, xã Giáp Lai và xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ nhằm đánh giá trữ lượng, chất lượng để tiến tới khai thác, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gốm sứ trên phạm vi tỉnh này nói riêng và cả nước nói chung.

Tóm tắt đề án này, ông Trịnh Quốc Hà, chủ nhiệm đề án, thuộc Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm (cơ quan lập đề án) cho biết: Đề án được thành lập về nội dung, hình thức theo đúng Thông tư 45/2016/TT-BTNMT ngày 26/12/2016 của Bộ TN&MT; các phương pháp thăm dò và khối lượng được thiết kế phù hợp đối với loại hình khoáng sản kaolin - felspat ở khu thăm dò.

Ngoài ra, các phương pháp thăm dò và khối lượng được thiết kế phù hợp loại hình quặng khu vực thăm dò gồm các phương pháp sau: trắc địa; công tác địa chất; công tác Địa chất thủy văn - Địa chất công trình; thi công công trình (vỉa lộ, hào, giếng, khoan); công tác mẫu (lấy, gia công và phân tích mẫu); nghiên cứu mẫu công nghệ. Tổng trữ lượng dự tính ở cấp 122 là 121.215 tấn kaolin dưới dây 0,21mm và 456.958 tấn felspat.

Đại diện Liên đoàn Địa chất Xạ - Hiếm, đơn vị lập Đề án thăm dò kaolin-felspat khu vực Giáp Lai - Tất Thắng báo cáo tóm tắt đề án

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chỉnh sửa bản vẽ cho phù hợp; xem xét một số lỗ khoan phải khoan hết thân quặng, kể cả buộc phải khoan xiên, để có hiệu quả.

“Cũng cần cân đối lại các hạng mục, công việc, như với 1 số lỗ khoan phải khoan sâu hơn, khoan qua đáy để có tính toán trữ lượng cho phù hợp. Về khối lượng hào, đối với 1 số vị trí có thể khoan tay, cần đảm bảo an toàn lao động, cân nhắc lại cho hợp lý. Đồng thời, tính toán mặt cắt để có tài liệu đề án hoàn chỉnh”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo.

Về Đề án thăm dò đá hoa dolomit làm đá ốp lát khu vực Tây Bắc Lèn Chu, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Cần thuộc Trung tâm Kỹ thuật địa chất và Xử lý nền móng, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng, trữ lượng đá hoa dolomit làm đá ốp lát và cung cấp tài liệu lập thiết kế cơ sở khai thác mỏ trong diện tích thăm dò là 45,69 ha.

Trên cơ sở các tài liệu thăm dò đã có và mục tiêu nhiệm vụ, đề án đã đề xuất hệ phương pháp thăm dò là: sử dụng hệ thống các công trình khoan thẳng đứng, lấy mẫu rãnh không liên tục trên mặt, đo khe nứt và lấy mẫu công nghệ khai thác thử khối lượng mạng lưới, lấy và thí nghiệm các loại mẫu…

Toàn cảnh cuộc họp

Đối với Đề án thăm dò đá hoa dolomit làm đá ốp lát khu vực Tây Bắc Lèn Chu, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị, Công ty CP Khoáng sản An Lộc Sơn (Chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn thăm dò thực tế, cụ thể thăm dò các sản phẩm khác ngoài đá ốp lát nếu có khả năng; không được làm ít hơn các khối lượng đã được ghi trong đề án và đã được Hội đồng kết luận.

Kết thúc cuộc họp, Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản thông qua 2 đề án, trên cơ sở các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp thu để hoàn thiện các đề án trước khi trình lại Hội đồng phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT thẩm định 2 Đề án thăm dò khoáng sản tại Phú Thọ và Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO