Trong dự thảo Kế hoạch Bộ TN&MT đề xuất phát động phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường nói không với rác thải nhựa”. Ngoài ra, Bộ sẽ phát động các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường, ảnh hưởng của rác thải nhựa đến sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp giảm thiểu.
Đồng thời phát động các sáng kiến xanh, phong trào khởi nghiệp về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; phát hiện và trao giải thưởng môi trường đối với các mô hình, giải pháp, sáng kiến hay về tái chế chất thải nhựa. Ngay trong các cơ quan của Bộ TN&MT tiếp tục triển khai các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa một cách sâu rộng hơn.
Cụ thể, Bộ TN&MT chủ trương không sử dụng nước uống đóng chai nhựa (thể tích 330ml - 500ml) tại công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động ngoài trời, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (19 lít) hoặc sử dụng các vật dụng chứa nước khác thân thiện với môi trường (như chai thủy tinh, bình kim loại hoặc bình inox,…).
Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm: băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa.... tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các hoạt động sự kiện khác.
Ngoài ra, Bộ TN&MT bố trí lắp đặt thùng đựng rác và phân loại rác tại trụ sở Bộ đảm bảo thu hồi được chất thải để phục vụ hoạt động thu gom, tái chế. Hướng dẫn việc lắp đặt và kích thước, màu sắc thùng đựng rác và phân loại rác cho các đơn vị thuộc Bộ thống nhất, đồng bộ.
Cụ thể, Tổng cục Môi trường có trách nhiệm xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; có các quy định về quản lý chất thải nhựa.
Vụ Pháp chế có trách nhiệm xây dựng quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất nhằm thay thế Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Tổng cục Môi trường còn rà soát, đề xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa sạch, có giá trị tái chế cao, không nhập khẩu phế liệu nhựa sử dụng một lần.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng dự kiến giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng và vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Hệ thống thông tin kiểm soát rác thải nhựa từ đất liền ra biển và từ các hoạt động trên biển, hải đảo.
Tổng cục Biển và Hải đảo là cơ quan điều phối, quản lý các nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa biển ở Việt Nam thường xuyên. Có trách nhiệm tổ chức khảo sát, quan trắc, phân tích thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, giám sát rác thải nhựa đại dương, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; đồng thời nghiên cứu đề xuất xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát rác thải nhựa tại 11 lưu vực sông chính và 12 huyện đảo phục vụ cho việc quan trắc, giám sát định kỳ hằng năm và 5 năm đánh giá hiện trạng rác thải nhựa.