(TN&MT) - Tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2014, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu vấn đề, về sản xuất nông nghiệp, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương cho phép sử dụng đất lúa một cách linh hoạt và có hiệu quả. Hiện nay từng vùng đã thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, tìm những cây, con có lợi thế để đầu tư phát triển.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn cho biết, tại Bình Thuận, thanh long là loại cây có lợi thế nhất cho giá trị kinh tế cao, nó đã thành thương hiệu đặc sản của vùng đất nước, giúp người nông dân ở đây làm giàu và làm giàu nhanh trên mảnh đất của họ. Trong khi 1 ha lúa đạt năng suất cao chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ thì 1 ha thanh long cho lợi nhuận trung bình từ 200-300 triệu đồng/năm. Vì thế, hiện nay nông dân nhiều nơi ở Tân Bình Thuận đang chuyển khá mạnh diện tích trồng đất lúa kém hiệu quả, thậm chí một số nơi chuyển cả diện tích trồng đất lúa 2 vụ, nhưng năng suất thấp sang trồng thanh long. Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2015 toàn tỉnh có 15 nghìn ha thanh long, nhưng đến nay đã đạt gần 25 nghìn ha và hiện nay nông dân vẫn chưa dừng lại ở mức này.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang
“Mặc dù trên thực tế nông dân đã phát triển mạnh về thanh long, nhưng văn bản pháp lý cụ thể cho phép nông dân chuyển đất lúa sang trồng cây thanh long, mãi đến nay vẫn còn bất cập, điểm nghẽn ở chỗ nào?. Tôi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý để nông dân trồng cây thanh long trên đất lúa, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn Thông tư 28 năm 2014 quy định: Thanh long là cây trồng lâu năm, do vậy theo Luật Đất đai nông dân muốn trồng cây thanh long thì diện tích đất lúa phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là việc làm của nông dân hiện nay là trái phép. Ở một số xã, chính quyền lập biên bản xử lý hành chính, người nông dân sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để được trồng thanh long. Khi tiếp xúc cử tri, bà con hỏi vì sao nhà nước cản trở người dân làm giàu khi trồng cây thanh long. Vấn đề trên mặc dù tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến. Nếu theo Thông tư 28 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bây giờ nông dân phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Vậy đến khi cần trồng lúa lại người nông dân phải tiếp tục thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nữa chăng?” – đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đặt câu hỏi.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định: Trước hết là về chủ trương của Trung ương và Quốc hội đối với quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, đến năm 2020 phải giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, hai năm qua đạt kết quả tốt, đến năm 2013 diện tích đất trồng lúa của cả nước còn 4,07 triệu ha tức là trên 3,8 triệu ha. Thực hiện chủ trương của Trung ương về tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, ngày 10-6-2013 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 899 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có chủ trương chuyển một phần diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao hơn trồng lúa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014 đến 2020. Quy hoạch này được phê duyệt tại quyết định 3367. Theo đó, năm 2014-2015 chuyển đổi khoảng 260.000 ha diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây ngắn ngày khác và nuôi trồng thủy sản vào giai đoạn 2016-2020 chuyển đổi tiếp 500.000ha đất trồng lúa nữa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra Thông tư hướng dẫn việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn ủng hộ chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ngắn ngày khác và nuôi trồng thủy sản, trong đó cây thanh long.
Liên quan đến Thông tư 28 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, trong Thông tư có quy định cây thanh long nằm trong danh mục cây trồng lâu năm chưa xếp vào thống kê sử dụng đất trồng cây lâu năm, đấy là phân loại như vậy. Với phân loại như trên, theo Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 khi trồng thanh long trên đất lúa phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất này của hộ gia đình do Ủy ban nhân dân huyện cho phép, nếu như tổ chức do Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nghiên cứu ý kiến của đại biểu và điều chỉnh theo hướng đưa cây thanh long ra khỏi danh mục cây lâu năm. Bởi lẽ, thực tế cây thanh long là cây dài ngày nhưng là cây cấy trồng, có thể khi cần trả lại đất trồng lúa thì việc phá dỡ cây này để chuyển sang đất lúa thì không phức tạp như đối với các cây lâu năm khác.
Trông cây thanh long đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân Bình Thuận
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng đề nghị các địa phương để chủ trương chuyển đổi thành công cần phải làm rõ nhận thức về chủ trương này. Đó là chuyển một diện tích trồng lúa sang trồng cây hàng năm, chứ không phải bất kỳ cây trồng nào.
Riêng nuôi trồng thủy sản, thì nuôi trồng trên diện tích mặt ruộng mà không đào ruộng thành ao làm thay đổi thiện mạo của đất. Đề nghị việc này cần phải làm rõ với các hộ gia đình, cũng như các tổ chức.
Thứ ba, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về việc lập quy hoạch, đã xây dựng kế hoạch hàng năm trên đất lúa.
Thứ tư, tổng kết các mô hình cây trồng khác canh tác trên đất lúa có hiệu quả cao.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác đồn điền, đổi thửa hình thành vùng sản xuất tập trung và có quy mô nhất định.
Thứ sáu, cần phải cơ cấu lại hệ thống sản xuất, thu mua, chế biến, đặc biệt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng là thanh long hiện nay với một sản lượng nhỏ như vậy có thể có thị trường, nhưng nếu chúng ta mở rộng ra nữa thì vấn đề thị trường như thế nào? Chúng tôi cho vấn đề thị trường hết sức quan trọng, nếu chúng ta mở rộng diện tích trong việc chuyển đổi này và cần xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Minh Trang