Bộ TN&MT làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận gỡ vướng trong quản lý khoáng sản
(TN&MT) - Sáng 22/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã chủ trì buổi làm việc nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Tham dự về phía Bộ TN&MT có lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam, Cục Địa chất Việt Nam, đại diện lãnh đạo Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Vụ Pháp chế và Văn phòng Bộ. Về phía UBND tỉnh Ninh Thuận có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Công thương và lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Sở TN&MT.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm của Bộ TN&MT trong việc hướng dẫn, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại địa phương. UBND tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết: Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu là nhu cầu về nguồn vật liệu xây dựng.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã cấp phép khai thác đá xây dựng với trữ lượng cấp phép là 146,7 triệu m³, công suất khai thác 6,2 triệu m³/năm; đất san lấp với trữ lượng cấp phép là 5,3 triệu m³, công suất khai thác 1,7 triệu m³/năm và cát xây dựng với trữ lượng cấp phép là 0,6 triệu m³, công suất khai thác 0,16 triệu m³/năm, được phân bố chủ yếu trên địa bàn các huyện trong tỉnh.
Trong khi trữ lượng cấp phép khai thác đá xây dựng lớn và hiện đang dư thừa do không có thị trường tiêu thụ, dẫn đến nhiều doanh nghiệp nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì nguồn vật liệu san lấp, đặc biệt là đất san lấp và cát xây dựng đang rất thiếu và thiếu cục bộ, nhất là nhu cầu cho thi công các công trình kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh (san lấp Cảng biển tổng hợp Cà Ná, thi công đường nối cao tốc với Quốc lộ 1A và Cảng biển Cà Ná, san lấp Khu đô thị mới Đầm Cà Ná,...) với hơn 22 triệu m³ (gấp hơn 4 lần tổng trữ lượng vật liệu san lấp đã cấp phép trên toàn tỉnh).
Do đó, ngoài trữ lượng vật liệu san lấp đã cấp phép tại các mỏ thì rất cần vật liệu san lấp huy động từ các nguồn khác, như: hoạt động nạo vét (luồng lạch, cảng biển, hồ thủy lợi, thủy điện,...), việc thi công các công trình xây dựng (giao thông, thủy lợi,...) và dự án đầu tư, đất tầng phủ tại các mỏ đá xây dựng,...
Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Hưng, hiện nay việc giải quyết cấp phép khai thác hoặc thu hồi khối lượng đất, đá, cát từ các hoạt động này chưa được pháp luật quy định cụ thể nên còn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ TN&MT có ý kiến hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc gồm: việc thu hồi, sử dụng sản phẩm từ dự án nạo vét bằng hình thức xã hội hóa; việc thu hồi, sử dụng sản phẩm từ các dự án nạo vét không thực hiện bằng hình thức xã hội hóa và từ thi công công trình; việc sử dụng đất tầng phủ tại các mỏ đá; điều chỉnh mục đích, địa chỉ tiêu thụ khoáng sản trong Giấy phép khai thác đã cấp; hoạt động sản xuất cát nghiền; tiếp tục triển khai các dự án khai thác titan trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Khoáng sản Việt Nam, đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế đã trả lời các kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận theo quy định của Luật Khoáng sản và các pháp luật liên quan.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết Bộ luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói riêng trên tinh thần đảm bảo quy định của pháp luật.
Ghi nhận những vướng mắc của tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng cho rằng một số nội dung còn vướng do pháp luật khoáng sản hiện hành, do vậy Bộ sẽ nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng như văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết. Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ tăng cường phối hợp, tháo gỡ các vướng mắc của tỉnh để tỉnh kịp thời thực hiện theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đề nghị trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ TN&MT xem xét rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc mà tỉnh Ninh Thuận đang gặp phải để góp phần giúp địa phương giải quyết thuận lợi.