Tham dự cùng buổi làm việc có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý tài nguyên nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn |
Về phía Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, có: ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Phúc, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, Bình Thuận có nhiều tích tụ khoáng sản đa dạng về chủng loại như titan, vàng, wolfram, chì, kẽm, nước khoáng và các phi khoáng khác. Trong đó, nước khoáng, sét, đá xây dựng có giá trị thương mại và công nghiệp.
Trong những năm gần đây, chủ trương của tỉnh Bình Thuận đang chuyển đổi từ tỉnh phát triển kinh tế về khai khoáng, công nghiệp nặng sang phát triển kinh tế xanh. Do đó, các cấp chính quyền của tỉnh Bình Thuận đã và đang có những chủ trương ưu tiên cho phát triển phát triển về du lịch, dịch vụ đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường tại những khu vực bị ảnh hưởng từ những hoạt động phát triển nhiệt điện trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hai, hiện nay có việc vướng mắc trong việc phát triển du lịch bị nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản sẽ khiến việc triển khai các dự án gặp khó khăn, chồng lấn.
Về việc này, sau khi nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo rõ hơn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội trên mặt mà ở dưới có khoáng sản dự trữ. Sau khi thống nhất ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan và được sự đồng ý từ các cấp quản lý, Chính phủ ban hành Nghị định “Quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt”.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận phát biểu tại buổi làm việc chiều ngày 19/11/2019 |
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Bình Thuận cần ưu tiên các dự án nằm sát bờ biển, thuận lợi để phát triển du lịch. Đối với các dự án có chồng lấn, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết các vấn đề có liên quan trước khi phê duyệt dự án, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, có thỏa thuận bằng văn bản, đảm bảo không để xảy ra khiếu kiện. Phải làm rõ trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân cụ thể để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Trong công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là cơ chế giám sát các dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, có cơ chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm các hoạt động này hiệu quả, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường không khí, nước biển; đưa ra những biện pháp kiểm soát và cô lập việc phát tán bụi.
Tổng cục Môi trường phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận để thực hiện quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường xung quanh nhằm kịp thời đưa những giải pháp phù hợp để chất lượng môi trường xung quanh bảo đảm đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường hiện hành; Yêu cầu doanh nghiệp phải đầu tư nâng cấp công nghệ để đảm bảo 24/24 giờ trong tất cả thời gian vận hành không được phép phát tán bụi ô nhiễm, nếu vi phạm thì đề xuất phương án dừng hoạt động.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữ Lãnh đạo Bộ TN&MT với tỉnh Bình Thuận về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh |
Vấn đề xử lý tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị phải có sự phối hợp làm việc giữa các bên doanh nghiệp, địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất các phương án xử lý đảm bảo vừa tận dụng được các sản phẩm vào trong sản xuất, vừa bảo đảm công tác an toàn môi trường.
Đối với dự án đánh giá tác động môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường cùng với UBND tỉnh Bình Thuận xem xét tổ chức một hội đồng thẩm định, kiểm định và phối hợp cùng với những đánh giá toàn diện của Bộ Công Thương để bổ sung các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương thành lập một Ban quản lý đủ thẩm quyền, chịu trách nhiệm về pháp lý để xây dựng các kế hoạch giám sát, kiểm soát ô nhiễm. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền thông tin về bảo vệ môi trường; nghiên cứu đầu tư lắp đặt bảng điện tử hiển thị công khai số liệu quan trắc tự động khí thải, nước thải cho cộng đồng dân cư khu vực xung quanh các nhà máy nhiệt điện than để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và những chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ và ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết sẽ chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ cùng với cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tin tưởng rằng công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được những mục tiêu mà chính quyền các cấp của Bình Thuận đặt ra trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.