Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) lần đầu tiên ra mắt tại COP26 nhằm thúc đẩy đầu tư vào chuyển đổi năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trên toàn thế giới. Ở khu vực châu Á, GEAPP đã hợp tác với Indonesia để hỗ trợ cho quá trình trao đổi và đàm phán về Tuyên bố chính trị và thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Đến Việt Nam, GEAPP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển bền vững. Và việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ TN&MT là minh chứng cho quan điểm hợp tác đó.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT hiện được giao chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đề xuất Đề án thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế, trong đó có việc đề xuất Ban Thư ký và xây dựng Kế hoạch Huy động nguồn lực. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ sẽ tạo tiền đề cho sự hợp tác giữa Bộ và Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh.
Được biết, Quỹ Liên minh năng lượng toàn cầu cho con người và hành tinh và cá nhân ông Harford đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ các nước đang phát triển trong vấn đề chuyển đổi năng lượng như tại các quốc gia tham gia JETP như Nam Phi và Indonesia, nhất là đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng công bằng, thúc đẩy sinh kế cho người dân. Vì vậy Thứ trưởng kiến nghị GEAPP hỗ trợ, chia sẻ với Bộ TNMT thông tin và kinh nghiệm trong việc thực hiện JETP tại 2 quốc gia này.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng, ông Simon Harford cho biết, hai bên đang thực hiện công việc rất mới ở trên thế giới. Chuyển đổi năng lượng công bằng là vấn đề phức tạp, mang ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế. Việc ký kết hợp tác sẽ giúp hai bên có thể bắt tay ngay vào các công việc cụ thể, trên tinh thần tin cậy và lợi ích chung của các Bên.
Theo đó, Biên bản ghi nhớ thiết lập một khuôn khổ để xem xét các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và các dự án tiềm năng nhằm góp phần đạt được các nỗ lực chuyển dịch năng lượng công bằng, đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Các lĩnh vực hợp tác bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho Bộ TN&MT trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của JETP (theo nhiệm vụ của Bộ TNMT được Chính phủ phân công); tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ thuật và các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ các-bon và các nhiệm vụ liên quan khác theo cam kết tại COP26 của Việt Nam; hợp tác và hỗ trợ cho các hoạt động theo kế hoạch của Bộ TN&MT tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP28), có thể bao gồm các sự kiện đối tác và xây dựng đối thoại về giảm phát thải khí nhà kính, JETP, biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu và các chủ đề liên quan khác; hợp tác và hỗ trợ cho các hoạt động theo kế hoạch của Bộ TN&MT tại các Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trong tương lai./.