Ngành TN&MT

Bộ TN&MT: Hợp tác hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc, hướng về cơ sở

Mai Đan – Trường Giang – Khánh Ly - Khương Trung 31/12/2023 15:39

(TN&MT) - Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành Tài nguyên và Môi trường sáng 31/12, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao các nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ ngành trong năm qua.

Thành quả đem lại không chỉ giúp tăng cường công tác quản lý ngành mà còn hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ giao phó; giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc cho địa phương để phát huy tốt nguồn lực tài nguyên, đưa chính sách đi vào cuộc sống phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững.

Báo TN&MT lược ghi một số ý kiến tham luận tại Hội nghị:

Bà Hồ Thị Nguyên Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên: Bộ TN&MT đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc

pho-ct-phu-yen_trai.jpg

Năm 2023, Bộ TN&MT đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện sự sát sao, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Bộ trong việc nắm bắt thực tiễn, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách quan trọng.

Theo đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, kịp thời tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thời gian chưa sửa Luật Đất đai như: Quy định mới về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bổ sung đăng ký cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án đầu tư; sửa đổi bổ sung quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; quy định về thời gian bị ảnh hưởng đối với trường hợp bất khả kháng không tính vào thời gian gia hạn 24 tháng theo quy định tại điểm i, khoản 1, điều 64 Luật Đất đai, điều này đáp ứng yêu cầu thực tiễn sau đại dịch Covid-19.

Bộ cũng đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP của Chính phủ về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể, trong đó có nội dung về uỷ quyền định giá đất cụ thể từ tỉnh xuống UBND cấp huyện, giúp các địa phương chủ động trong việc định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, phục vụ các công trình dự án.

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, Bộ cũng đã rất sát sao và kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách đặc thù và hướng dẫn cho các địa phương thực hiện. Đối với tỉnh Phú Yên, cuối năm 2022, giải phóng mặt bằng dự án này chỉ đạt khoảng 65% thì đến nay đã bàn giao mặt bằng được 97,4%.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đồng chí Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng và các đơn vị trực thuộc Bộ đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Phú Yên giải quyết các khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến việc áp dụng pháp luật. Khi tỉnh có đề nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã kịp thời tổ chức buổi làm việc, nghe địa phương trình bày, có hướng dẫn cụ thể, đồng thời trả lời bằng văn bản để tỉnh có cơ sở thực hiện.

Từ hướng dẫn của Bộ, tỉnh đã giải quyết được một số vướng mắc liên quan đến thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án đường Phước Tân - Bãi Ngà; vướng mắc về định giá đất cụ thể; xác định thời gian bị ảnh hưởng bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19; cũng như một số vướng mắc về thủ tục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho dự án cao tốc…

Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Phối hợp nhân rộng nhiều mô hình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường

chu-tich-hoi-nd_phai.jpg

Trong năm 2023 thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội và Bộ TN&MT đã đạt được 3 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, Hội và Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc lấy ý kiến rộng rãi cán bộ, hội viên của Hội Nông dân về việc sửa đổi Luật Đất đai. Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi của Bộ TN&MT. Đồng thời, Bộ đã lắng nghe, tổng hợp hợp tiếp thu ý kiến của cán bộ, hội viên trong Dự thảo Luật theo hướng tạo thuận lợi cho nông dân, trong đó tập trung vào tập trung đất đai, giúp cho nông dân sản xuất quy mô lớn và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân trong lĩnh vực đất đai.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân, qua việc phối hợp lấy ý kiến, nhận thức, kiến thức của hội viên nông dân trong việc chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai được nâng cao.

Thứ hai, thông qua các chương trình của Bộ TN&MT, Hội đã vận động các cán bộ, hội viên tham gia khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hội đã xây dựng và nhân rộng mô hình điểm như: cánh đồng không có vỏ bao bì, không thuốc bảo vệ thực vật; mô hình nói không với túi ni lông và rác thải nhựa; nhà sạch, môi trường, bảo vệ môi trường biển… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, hành vi của nông dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Thứ ba, Hội đã phối hợp với Bộ trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia các phòng trào như Tết trồng cây – đời đời nhớ ơn Bác Hồ, làm cho thế giới sạch hơn… với sự tham gia đồng loạt của các hội viên.

Năm 2024, Chủ tịch Hội nông dân cho biết, sẽ tiếp tục với Bộ TN&MT trong một số nội dung: tuyên truyền phố biến rộng rãi tới cán bộ, hội viên về nội dung đổi mới của Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước sửa đổi; tham gia góp ý vào Luật Địa chất và khoáng sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng, góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không đến năm 2030, phối hợp tổ chức các sự kiện có liên quan tới tài nguyên môi trường liên quan tới hai ngành và theo chương trình phối hợp.

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia vào quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, rác thải… tăng cường giám sát việc thực thi chính sách về TN&MT trên địa bàn nông thôn.

Ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương kịp thời triển khai các dự án quan trọng

chu-tich-bac-kaj_trai.jpg

Năm 2023, ngành TN&MT đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đóng góp trực tiếp và rất quan trọng vào sự phục hồi và phát triển chung của đất nước.

Bộ TN&MT đã bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm, quyết liệt, phản ứng nhanh và có nhiều đổi mới trong công tác. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết kịp thời, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường…

Đồng chí Bộ trưởng, các Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp xuống địa phương, cơ sở, khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác quản lý lĩnh vực TNMT.

Việc đánh giá tác động môi trường, thẩm định, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chuyển mục đích sử dụng đất được Bộ tiến hành chặt chẽ, bài bản nhưng rất khẩn trương và ngày càng nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương kịp thời triển khai các dự án quan trọng, nhất là các dự án hạ tầng giao thông…

Đối với tỉnh Bắc Kạn, công tác tài nguyên và môi trường được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh rất chú trọng, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo. Lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, môi trường đang đóng góp rất lớn cho tỉnh (chiếm đến 57% tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh), đặc biệt chỉ số xanh của tỉnh Bắc Kạn hiện xếp thứ 7 cả nước, chỉ số bảo vệ môi trường xếp thứ 2 cả nước, tăng nhiều bậc so với các năm trước.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ TN&MT quan tâm xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định 326/QĐ-TTg 2022 của Thủ Tướng Chính Phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo hướng phân bổ tăng chỉ tiêu sử dụng đất cho tỉnh Bắc Kạn, nhất là chỉ tiêu đất khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ xem xét thu hồi các mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ đã dừng không hoạt động để bàn giao đất cho địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả (như một số mỏ chì kẽm, mỏ đá vôi trắng trên địa bàn tỉnh).

Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Bộ sớm xem xét đề nghị khoanh định các khu vực không đấu giá khoáng sản để phục vụ các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Bộ TN&MT đóng vai trò dẫn dắt trong "cuộc đua" thiết lập các tiêu chuẩn mới, luật lệ xanh

bo-ngooai-giao_trai.jpg

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về TN&MT, tích cực hoàn thiện thể chế, cơ chế, pháp luật, bảo đảm dữ liệu đầu vào phát triển kinh tế xã hội nói chung. Hợp tác quốc tế ngày càng chủ động, hiệu quả trong xu thế chung chú trọng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong vài năm gần đây, thế giới xuất hiện nhiều xu hướng có tính chất bước ngoặt, trong đó có 3 điểm nổi bật liên quan tới lĩnh vực TN&MT. Thứ nhất, thế giới đã bước sang giai đoạn tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng. Điều này đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước rất lớn cho Bộ TN&MT, không chỉ tham mưu chính sách, luật pháp mà còn phải tham mưu thể chế, cơ chế, mô hình, phương thức phù hợp với xu thế mới.

Thứ hai, cuộc chạy đua khoa học công nghệ, nhất là thiết lập tiêu chuẩn mới, luật lệ xanh mới đòi hỏi vai trò dẫn dắt của Bộ TN&MT cùng với sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, cả về khoa học công nghệ và dẫn dắt các ngành nghề. Thứ ba, cùng với cạnh tranh chiến lược gia tăng, đặc biệt là cạnh tranh tài nguyên khoáng sản thiết yếu, đòi hỏi phải xử lý nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền, đối ngoại, tự chủ chiến lược của đất nước.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ TN&MT đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế và ngày càng cho thấy hiệu quả tích cực. Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ triển khai các cam kết quốc tế thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0; tham gia tích cực, chủ động trong các diễn đàn toàn cầu về môi trường, biến đổi khí hậu, diễn đàn Liên hợp quốc về tài nguyên nước, tham gia các cơ chế quốc tế hợp tác đa phương để tranh thủ nguồn lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng; ký kết rất nhiều thỏa thuận song phương...

Trong bối cảnh Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với với nhiều đối tác quốc tế, các vấn đề hợp tác chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường ứng phó BĐKH đã trở thành nội hàm chủ chốt.

Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự hợp tác tích cực của ngành TN&MT thời gian qua trong công tác phân giới cắm mốc với các quốc gia trên bộ. Trên biển, lần đâu tiên Việt Nam đã xây dựng quy hoạch không gian biển, góp phần bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và vun đắp quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả cơ chế hợp tác quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông.

Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao về nắm bắt và tham mưu Chính phủ bắt kịp xu thế, quy định, xu thế, công nghệ trong các lĩnh vực môi trường. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực thực hiện các cơ chế quốc tế và khu vực về biến đổi khí hậu, môi trường; nâng tầm ngoại giao khí hậu, ngoại giao môi trường để thể hiện vị trí mới của đất nước, không chỉ tham gia mà còn tạo lập luật chơi, quy định mới về tài nguyên và môi trường. Đồng thời, tích cực thu hút nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

Bộ cũng cần tiếp tục đóng vai trò chủ trì xác định lộ trình triển khai nội luật hóa, chuyển đổi công nghệ, nâng cao nhận thức để thực hiện các cam kết quốc tế COP 26, COP 28, các FTA thế hệ mới để vừa thực hiện các cam kết quốc tế vừa phù hợp với điều kiện Việt Nam, bảo đảm độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia. Đây là thách thức lớn.

Hai Bộ cũng tiếp tục phối hợp trong quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ, hỗ trợ địa phương phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng. Tăng cường các quy hoạch quốc gia, nhất là quy hoạch không gian biển.

Tăng cường sự tham gia thực chất hiệu quả tại các diễn đàn biển khu vực, quốc tế, tham gia định hình luật lệ và góp phần bảo vệ lập trường quan điểm về biển đảo, hợp tác biển với các đối tác phát triển bền vững...

Ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Đẩy nhanh tiến độ triển khai định giá đất, giải quyết thủ tục về khoáng sản

pct-soc-trang_phai.jpg

Trong năm 2023, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng đã tích cực phối hợp với các sở ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ định giá đất cụ thể, thu hồi đất, công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình trọng điểm, cụ thể: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa Hậu Giang - Sóc Trăng, qua địa bàn Sóc Trăng khoảng 11km; Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (tỉnh đã bàn giao mặt bằng 100% cho Ban Quản lý dự án 85 ngày 20/9/2023); Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (qua địa bàn Sóc Trăng khoảng 58km, với 1.811 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng; đến nay tỉnh đã bàn giao 100% mặt bằng cho 4 nhà thầu thi công).

Trong lĩnh vực khoáng sản, về cát sông, ngày 9/12 vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát cho 4 nhà thầu thi công thực hiện 4 gói thầu để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ Dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Về cát biển, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ, thăm dò, khảo sát, thực nghiệm đánh giá cát biển khu vực biển Trần Đề Sóc Trăng. Kết quả, Bộ TN&MT và Bộ Giao thông vận tải đã chuyển giao Hồ sơ kết quả Dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại vùng biển Sóc Trăng, trước đây đã khoanh định được 6 vùng phân bố cát (ký hiệu B1 - B6) có khả năng làm vật liệu xây dựng, với trữ lượng khoảng 13,9 tỷ m3.

Trước mắt, Bộ TN&MT đã chuyển giao cho địa phương kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1: cấp 333 + cấp 222 đạt hơn 680 triệu m3, trong đó, cấp 222 hơn 144 triệu m3 có thể khai thác được ngay để phục vụ đường cao tốc.

Đối với việc khai thác cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án cao tốc và hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng chưa có tiền lệ trong việc cấp phép, quản lý đối với khai thác cát biển; do vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ TN&MT, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, hướng dẫn địa phương về trình tự thủ tục, hồ sơ nhằm đảm bảo việc khai thác cát trong thời gian sớm nhất và đúng quy định, an toàn.

Đây là nguồn tài nguyên quốc gia, tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc khai thác khi hồ sơ, thủ tục, cơ sở pháp lý cho việc khai thác được đảm bảo.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả

thu-truong-bo-ca_phai.jpg

Trong qua trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công an, Bộ đã thường xuyên trao đổi với Bộ TN&MT trên nhiều lĩnh vực xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và thu được nhiều kết quả.

Bộ TN&MT cần sớm hoàn thiện các luật liên quan tới TN&MT; tăng cường phối hợp trong việc thực hiện Đề án 06 ngày 6/1/2022 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030; Bộ TN&MT có quy định về giám định theo hướng phân cấp phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ Công an cảm ơn Bộ TN&MT đã hỗ trợ Bộ Công an trong các lĩnh vực công việc và mong muốn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đạt kết quả tốt hơn.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: Công tác thanh tra, kiểm tra giúp địa phương chấn chỉnh công tác quản lý TN&MT

chu-tich-ninh-binh_trai.jpg

Trong năm 2023, ngành TN&MT đã dành sự quan tâm đặc biệt trong việc bám sát chủ đề công tác “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, bám sát công tác thực tiễn, hoàn thiện thể chế, các chính sách pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường, đặc biệt đã cơ bản hoàn thành và trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản. Đây là những bộ luật hết sức quan trọng để kịp thời đánh giá, chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khơi thông nguồn lực tài nguyên và môi trường, nguồn lực phát triển đất nước; kịp thời điều chỉnh bổ sung các Nghị định, các Thông tư hướng dẫn để giải quyết những vấn đề khó khăn thực tiễn đặt ra.

Đặc biệt, ngành TN&MT có sự đổi mới rất lớn trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đây là nội dung quan trọng để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường thực tiễn ở các địa phương để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường hiệu quả, kỷ cương; đặc biệt là các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Chính phủ trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia về kết cấu hạ tầng; kịp thời hướng dẫn thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh để đảm bảo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng và phát huy hiệu quả từ thực tiễn địa phương.

Công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa của ngành cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là lĩnh vực đất đai và môi trường. Trên cơ sở đó, ngành tài nguyên và môi trường đã tham mưu hướng dẫn để quản lý thực hiện các nhiệm vụ về đất đai, tài nguyên môi trường và khoáng sản sát với thực tiễn, đặc biệt phân bổ quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đất đai trong việc xây dựng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 5 năm và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành cũng kịp thời lắng nghe đề xuất kiến nghị của các địa phương, trên cơ sở đó chỉ đạo các địa phương có báo cáo cụ thể, do vậy những điểm nghẽn, điểm vướng trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong năm 2023 của các địa phương cơ bản được giải quyết.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc về đất đai của các địa phương, xác định được các chủ trương, nguyên tắc và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và phát huy vai trò của nguồn lực khoáng sản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT: Hợp tác hiệu quả, tháo gỡ vướng mắc, hướng về cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO