Bộ TN&MT đánh giá trữ lượng khoáng sản các mỏ tại 3 địa phương

Mai Đan| 08/10/2020 14:44

(TN&MT) - Sáng 8/10, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Hội đồng đã đánh giá trữ lượng đá vôi, dolomit làm vôi công nghiệp tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên 3, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; quặng sắt khu Lũng Viền, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Trung tâm Kỹ Thuật địa Chất Và Xử Lý Nền Móng là đơn vị tư vấn của đề án thăm dò đá vôi, dolomit làm vôi công nghiệp tại xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ông Nguyễn Văn Cần - Đại diện Trung Tâm cho biết: Mục tiêu của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng, trữ lượng đá vôi, dolomit cho sản xuất vôi công nghiệp và trình Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt làm cơ sở cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo bà Lê Thị Thanh – Chuyên viên kiểm tra, thẩm định báo cáo thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, báo cáo đã thu thập, tổng hợp đầy đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất khu mỏ, cũng như quy mô, chất lượng của đá vôi, đá dolomit làm vôi công nghiệp, đá carbonat làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích thăm dò. Tuy nhiên, hạn chế là mẫu thí nghiệm công nghệ khối lượng còn nhỏ, chưa nghiên cứu đánh giá khả năng sử dụng dolomit cho các lĩnh vực công nghiệp khác.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình cho biết: Hiện nay, Công ty cổ phần đầu tư Vạn Xuân – Ninh Bình (chủ đầu tư của đề án) đang khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường của mỏ theo Giấy phép số 06/GP-UBND ngày 3/3/2011 của UBND tỉnh. Theo đó một phần trữ lượng khoáng sản đạt yêu cầu để sản xuất vôi cũng được khai thác kèm theo, nếu không sử dụng để chế biến ra các sản phẩm có giá trị cao hơn vật liệu xây dựng thông thường sẽ lãng phí tài nguyên. Vì vậy, cần phải quản lý, sử dụng để nâng cao hiệu quả kinh tế của nguồn khoáng sản.

Toàn cảnh cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò đá granit làm ốp lát khu vực Suối Tiên 3, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư khoáng sản Việt – đơn vị tư vấn của đề án thăm dò cho biết: Báo cáo là kết quả của công tác thu thập các tài liệu hiện có trong khu vực thăm dò, thi công công trình thăm dò, lấy và phân tích các loại mẫu kèm theo. Các hạng mục công tác tiến hành theo đúng trình tự và các quy định về thăm dò khoáng sản của Bộ TN&MT.

Ngoài ra, công trình thăm dò thi công đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tài liệu thu thập đầy đủ, trữ lượng đã tính cho mỏ có cơ sở khoa học, đảm bảo độ tin cậy để sử dụng là cơ sở nghiên cứu khả thi và lập phương án thiết kế khai thác.

Ông Nguyễn Xuân Toán – Chuyên viên kiểm tra, thẩm định báo cáo trên cho biết: Công tác nghiên cứu địa chất cơ bản đã làm rõ được cấu trúc địa chất của khu thăm dò, khoanh định được thân đá granit làm cơ sở cho công tác thăm dò và tính trữ lượng. Tuy vậy, công tác này còn gặp hạn chế là chưa xác định rõ hình thái và phạm vi phân bố các thể đá mạch là tác nhân làm giảm độ thu hồi và chất lượng đá khối ở khu mỏ.

Về kết quả thăm dò quặng sắt khu Lũng Viền, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, đại diện Liên đoàn Địa chất Đông Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) – đơn vị tư vấn cho biết: Công tác thăm dò quặng sắt khu Lũng Viền đã đạt được một số kết quả cụ thể. Theo đó, về địa chất, đã chính xác hoá cấu tạo địa chất khu vực thăm dò chủ yếu là các trầm tích carbonat xen lục nguyên của hệ tầng Cốc Xô – tập dưới – hệ lớp trên.

Về quặng hóa, xác định được 2 thân quặng dạng eluvi-deluvi. Ngoài ra đã xác định, đo đếm được 4 diện phân bố tảng quặng sắt có kích thước lớn, phân bố trong diện tích thăm dò. Các thân quặng trên đã được khống chế bằng các công trình khai đào (hố, hào) theo đúng mạng lưới thăm dò. Đã xác định được hình thái thân quặng, nghiên cứu thành phần vật chất, đặc tính công nghệ quặng.

Về đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình được nghiên cứu chi tiết, đã xác định được lượng nước chảy vào mỏ, khả năng tháo khô cùng các đặc điểm về địa chất công trình phục vụ cho thiết kế khai thác.

Về trữ lượng, với các công trình đã thi công, đủ cơ sở để tính trữ lượng cấp 122 cho các thân quặng, diện phân bố tảng quặng sắt khu Lũng Viền.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhất trí thông qua các báo cáo kết quả thăm dò trên. Tuy nhiên, Thứ trưởng yêu cầu chủ đầu tư và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia chỉ đạo các đơn vị tư vấn của 3 đề án trên tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT đánh giá trữ lượng khoáng sản các mỏ tại 3 địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO