Bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo Quý II/2018

17/07/2018 21:56

(TN&MT) - Chiều 17/07, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng chủ trì buổi họp báo có ông Vũ Văn Long - Phó Chánh Văn phòng Bộ và ông Trịnh Xuân Quảng - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền.

​Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

ChutriHB
Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Tại buổi họp báo, Bộ TN&MT đã thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình thực hiện nhiệm vụ quý II và nhiệm vụ trọng tâm quý III/2018; Giới thiệu các nội dung trọng tâm Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018; Cập nhật dự báo khí tượng thủy văn mùa mưa bão năm 2018 và một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo phục vụ hiệu quả phòng, chống thiên tai; Chính sách quan trọng sẽ được quy định tại Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; Kiến nghị và giải pháp về nhập khẩu phế liệu.

Phát biểu tại cuộc họp báo Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT đánh giá cao các phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đã tích cực, thường xuyên quan tâm tăng cường thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Với xu thế phát triển lớn mạnh của lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì báo chí tiếp tục là công cụ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn các phóng viên báo chí tiếp tục đồng hành trong nhiệm vụ tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên và môi trường thời gian tới.
 

TT Thành
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại buổi Họp báo quý II năm 2018

Phát triển, hoàn thiện các công tác của ngành tài nguyên môi trường

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, quán triệt tinh thần "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã theo sát tình hình thực tiễn, chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp để tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong công tác chỉ đạo điều hành đã xác định đúng các trọng tâm, dự báo sát tình hình tham mưu kịp thời cho Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội như: tập trung phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai để các địa phương triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ vấn đề môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư; dự báo trước khả năng hạn hán, xâm nhập mặn, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan để các địa phương, người dân chủ động phòng tránh…

Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã trình và được Quốc hội thông qua Luật đo đạc và bản đồ; triển khai xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật đất đai, Luật BVMT, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước, Luật KTTV, Luật đa dạng sinh học, Luật TNMT biển và hải đảo; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI và triển khai việc sơ kết 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá XI. Tập trung triển khai việc sửa đổi bổ sung Luật đất đai, Luật BVMT. Trình Chính phủ 04 Nghị định, 01 Đề xuất xây dựng Nghị định ; trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo 10 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền các thông tư.

Toàn cảnh
Đông đảo phóng viên, nhà báo đến tham dự buổi họp báo chiều ngày 17/07

Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới từ khâu xác định nội dung thanh tra, tổ chức tập huấn, đến công tác phối hợp giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành, các địa phương trong triển khai các đoàn thanh tra. Đang triển khai 42 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư nhất là các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ được triển khai khẩn trương. Tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng giảm (khoảng 33%) so với cùng kỳ năm 2017.

Trong các công tác về lĩnh vực công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, công tác dự báo và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu... Bộ TN&MT cũng đã rà soát, xây dựng, trình Chính phủ các dự thảo, Nghị định sửa đổi trong các công tác quản lý, điều hành các lĩnh vực nóng bỏng của Bộ TN&MT quản lý để đáp ứng được với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vụ việc về ô nhiễm môi trường được dư luận quan tâm, báo chí phản ánh...

Bộ cũng đã chủ trì tổ chức thành công sự kiện lớn có quy mô toàn cầu là Kỳ họp Đai hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 tại Đà Nẵng. Sự kiện đã để lại dấu ấn sâu sắc trong bạn bè quốc tế.

Chủ động với công tác bảo vệ môi trường

Tại cuộc họp báo, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã trả lời nhiều câu hỏi được báo chí và dư luận quan tâm về: Công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh về lĩnh vực môi trường; vấn đề nhiễm mặn do sản xuất muối, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; vấn đề nhận chìm chất nạo vét thuộc dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển vào cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An; vấn đề xử lý 6.000 container rác tồn đọng tại các cảng Việt Nam; vấn đề Chính phủ Lào khởi động kế hoạch xây dựng đập thủy điện Pak Lay sẽ gây tác động đến hạ lưu sông Mê Công và đồng bằng sông Cửu Long...

PVhoi
Các phóng viên đặt câu hỏi nhiều vấn đề nóng được dư luận quan tâm

Đối với công tác cải cách hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, lãnh đạo Vụ Pháp chế trả lời báo chí, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bãi bỏ một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT, trong đó đề xuất bãi bỏ và đơn giản hóa 99/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm khoảng 60% (bãi bỏ 69 điều kiện, đơn giản hóa 30 điều kiện, bãi bỏ 10 TTHC). Công bố phương án cắt giảm 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và bãi bỏ, đơn giản hóa 13/13 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ 9 thủ tục hành chính...

Với câu hỏi về vấn đề nhiễm mặn do sản xuất muối, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân huyện Thuận Nam, Ninh Thuận của nhà báo Lan Anh, VTC1, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết đây là dự án có từ 2004 và ở thời điểm đó đã gây ra vấn đề nhiễm mặn do sản xuất muối gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Hiện nay, tại khu vực này Thủ tướng Chính phủ có thông báo số 318/TB-VPCP giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh rà soát, xử lý điều chỉnh quy mô, quy hoạch dự án muối nhằm vừa giải quyết vấn đề nhiễm mặn tại đây và đáp ứng được nhu cầu sử dụng muối hiện nay.

OngHoangVanThuc
Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời câu hỏi báo chí

Với chức năng của Bộ TN&MT, Bộ đã yêu cầu chủ đầu tư dự án phối hợp với UBND Tỉnh Ninh Thuận đưa ra các đề án, phương án khắc phục tình trạng nhiễm mặn hiện nay trong đó có giải pháp hoàn thành gia cố lớp lót đáy khu vực ô kết tinh và ô chứa nước ót bằng cách trải bạt nhằm ngăn ngừa, hạn chế lượng muối thấm quá đáy ô SX xuống hầm chứa nước, thời gian hoàn thiện vào quý IV năm 2018; Bên cạnh đó, xây dựng tuyến đê ngăn mặn phía Bắc dự án dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2018 để khắc phục những tồn tại hiện nay. Ngoài ra có phương án di dân khỏi vùng nhiễm mặn, tạo điều kiện để tỉnh có cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất muối trong quy hoạch phát triển sản xuất muối của cả nước.

Cũng liên quan đến câu hỏi thuộc lĩnh vực môi trường về tình trạng có 6.000 container rác tồn đọng tại các cảng Việt Nam và hướng giải quyết xử lý trong thời gian tới của nhà báo Thu Hoài (Báo Tiền Phong), ông Hoàng Văn Thức cho biết: Trong tháng 7-2018, các cảng biển sẽ kiểm đếm, phân loại xong số lượng các container thuộc diện “vô chủ” hay không. Chỉ có container tồn đọng quá 90 ngày mới phải đưa vào xác định là vô chủ hay không. Sau khi xác định là vô chủ thì sẽ tiến hành đấu giá cho các doanh nghiệp chế biến rác thải trong nước xử lý nếu đây là hàng cho phép nhập. Nếu là hàng không được nhập sẽ yêu cầu tái xuất hoặc nhà nước phải buộc phải bỏ ngân sách tiêu huỷ và việc này rất tốn kém. – ông Thức nói.

Ông Hoàng Văn Thức cho hay trước hiện tượng này, vào ngày 12-7, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã tổ chức cuộc họp với sáu bộ ngành liên quan để xử lý vấn đề rác thải tồn đọng taị các cảng. Đồng thời Bộ cũng tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về quản lý phế liệu nhập khẩu nhằm đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, loại bỏ các phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm hoặc các phế liệu hiện nay trong nước đã chủ động nguồn cung; xử phạt nghiêm minh khi phát hiện có sai phạm, đặc biệt là đối với các vụ việc gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu…

Với vấn đề đưa các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm vào danh mục kiểm soát môi trường đặc biệt, ông Hoàng Văn Thức cho biết đây là sáng kiến của Bộ TN&MT để đối phó với vấn đề bảo vệ môi trường, từ bị động sang chủ động. Việc này được Bộ TN&MT đề xuất lên Chính phủ và giải pháp này vừa giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước chủ động được việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và các doanh nghiệp tự hoàn thiện được công tác sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường.

Trả lời báo chí thông tin giao khu vực biển để nhận chìm chất thải nạo vét ở cảng Cửa Lò, ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và các Bộ ngành, Bộ TN&MT quyết định sẽ không bàn giao khu vực biển cách bờ khoảng 10km, độ sâu khoảng 15,39m (hệ Hải đồ) cho Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải nhận chìm chất thải nạo vét. Đây cũng là ý kiến của Bộ NN&PTNT.

Mr Sơn
Ông Vũ Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo trả lời báo chí

Theo ông Vũ Trường Sơn, gần đây UBND tỉnh Nghệ An đã cấp phép cho Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Tổng công ty an toàn hàng hải) nhận chìm chất thải nạo vét thuộc dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển vào cảng Cửa Lò. Tại khu vực này, trước đây Tổng công ty an toàn hàng hải đã từng tiến hành nhận chìm chất thải nạo vét. Tuy nhiên, đấy là thời điểm chưa có luật Biển Việt Nam, còn bây giờ, đã có luật quy định rồi thì phải kiểm soát. Gần đây, khi tiếp nhận hồ sơ bàn giao khu vực biển, Bộ TN&MT đã thẩm định, họp hội đồng, chuyên gia, nhà khoa học, cách đây hơn 1 tuần, với thực tế hiện trạng khu vực nhận chìm như vậy không thể giao khu vực biển để Tổng công ty hàng hải tiến hành nhận chìm.

“Đây là vị trí không phù hợp để triển khai hoạt động nhận chìm vì khoảng cách này vừa gần bờ, vừa nông lại vừa nằm ngay vùng cửa sông Lam”, ông Vũ Trường Sơn nói. Theo lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, doanh nghiệp cần tìm giải pháp khác, có thể ưu tiên sử dụng vật liệu nạo vét như nguồn tài nguyên đển san lấp mặt bằng, chống xói lở bờ biển. Phương án thứ 2 nếu không có vị trí tiếp nhận thì doanh nghiệp chủ dự án cùng địa phương tìm khu vực nhận chìm đảm bảo điều kiện tránh tác động đến môi trường.

Với thông tin Chính phủ Lào đã khởi động kế hoạch xây dựng đập thủy điện Pak Lay, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đã xem xét và thông báo cho các nước thành viên MRC theo yêu cầu của Hiệp định Mê Công năm 1995 về kế hoạch của Chính phủ lào trong việc xây dựng thủy điện Pak Lay. Thông báo này là thủ tục đầu tiên trong quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) về hợp tác, sử dụng nước trên dòng chính sông Mê Kông. Bộ TN&MT sẽ tổ chức quy trình ra soát, đánh giá, tham vấn trong 6 tháng. Theo dự kiến, Bộ TN&MT, Ủy hội sông Mê Công Việt Nam sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo, tham vấn các ý kiến chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, các trường, viện nghiên cứu, cơ quan thông tấn để đánh giá tác động của việc này với Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Dự kiến, sau cuộc tham vấn đến tháng 1/2019, Bộ TN&MT và Ủy hội sông Mê Công Việt Nam sẽ báo cáo lên các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ để thông báo tới các nước thành viên trong Ủy hội sông Mê Công quốc tế Lào, Thái Lan, Campuchia về ý kiến chính thức của Việt Nam về vấn đề này.

Kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh thông qua thông tin báo chí đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thêm nhiều vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng thời truyền tải được những thông điệp, thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Vụ Thi đua khen thưởng và Tuyên truyền thu thập, ghi nhận ý kiến, câu hỏi của các phóng viên báo đài để gửi đến những đơn vị chức năng của Bộ TN&MT giải đáp những thắc mắc của những cơ quan thông tin đại chúng.

Thứ trưởng Lê Công Thành mong rằng, sự hợp tác, chia sẻ phối hợp sẽ tiếp tục được củng cố, tăng cường để tạo nên mối quan hệ khăng khít, hai chiều giữa các cơ quan thông tấn, báo chí với ngành Tài nguyên và Môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường họp báo Quý II/2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO